An toàn cho bé

Tình trạng trẻ bị bạo hành dẫn đến thương vong tại các điểm trông giữ trẻ cứ dai dẳng nhiều năm, khiến phụ huynh có con nhỏ không khỏi hoang mang, lo lắng.

Vụ việc đau lòng mới đây xảy ra tại điểm trông giữ trẻ xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội). Nạn nhân là cháu Phạm Tiến Đ. (mới 17 tháng tuổi) bị hai cô giáo bế ném xuống nền nhà, dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và giẫm vào đầu… nhiều lần, làm bé bị chấn thương và tử vong.

Điều đáng nói đây không phải là sự việc đau lòng đầu tiên, mà đã từng xảy ra ở nhiều năm trước. Tháng 11/2022, một bé gái 17 tháng tuổi tử vong do đa chấn thương, xuất huyết não, phù phổi cấp, vì bị bạo hành tại điểm giữ trẻ đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, quận 7 (TP. Hồ Chí Minh) do một người phụ nữ nhận giữ trẻ. Tháng 7/22 tại phường 12. TP. Đà Lạt, bé gái 2 tuổi bị chấn thương sọ não, dập phổi, đa chấn thương phải nhập viện cấp cứu, do bị 2 bảo mẫu hành hạ…

Đây chỉ là sự vụ việc nổi cộm, bị phát giác và sẽ còn nhiều hơn thế, nhất là tại các điểm trông giữ trẻ tự phát. Thật thương tâm khi các cháu còn quá nhỏ, trong sáng, không hiểu được những hành động xấu xa mà người lớn gây ra cho mình; cam chịu áp lực trong nhà trẻ, chiều được ba mẹ tới đón thì hồn nhiên, vui mừng, rồi mai lại phải đến lớp!

Điểm chung là hầu hết các phụ huynh gửi trẻ ở các điểm giữ trẻ tự phát đều có hoàn cảnh khó khăn, không chủ động về mặt thời gian để đón con đúng giờ. Chẳng hạn như phụ huynh bé Phạm Tiến Đ. cả hai vợ chồng đều là lao động tự do. Hàng ngày, 5h sáng đã phải ra khỏi nhà đi làm, có khi đến nơi làm việc cách vài chục km và trở về khi trời đã tối muộn; dù con còn nhỏ nhưng để mưu sinh, anh chị buộc lòng phải gửi cháu Đ. đến nhóm trẻ xã Vạn Điểm…

Vấn đề tìm nơi trông giữ con để ba mẹ đi làm luôn là mối quan tâm của lực lượng lao động trẻ hiện nay. Thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp cũng quan tâm về vấn đề này. Riêng tại Thừa Thiên Huế hiện có 204 trường mầm non; 85 cơ sở giáo dục mầm non độc lập và tư thục; 2.411 nhóm, lớp; một số địa phương có khu công nghiệp như Phong Điền, Hương Thủy… nhiều cơ sở mầm non trông giữ cho con em công nhân đã và đang được xây dựng. Hiện ở TX. Hương Thủy có 5 cơ sở mầm non tư thục nuôi dạy hơn 265 trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Tại nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, nhất là các địa phương có các khu công nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… việc xây dựng trường mầm non, nhà trẻ cho con công nhân, người lao động cũng được chính quyền địa phương, doanh nghiệp quan tâm. Song, trong thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; đặc biệt là những người lao động tự do.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công văn 4216 /BGDĐT-GDMN gửi Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2022-2023. Theo đó, trong năm học 2022-2023, tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non, đặc biệt là tại các địa bàn đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất… Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non…

Thực tế cho thấy, việc đầu tư hệ thống trường mầm non, nhà trẻ đảm bảo đủ tiêu chuẩn thì ai cũng mong muốn nhưng không thể một sớm một chiều; trong lúc nhu cầu trông gửi con để đi làm của nhiều gia đình trẻ hàng ngày là rất cao. Việc làm trước mắt là siết chặt quản lý hệ thống nhà trẻ, cương quyết xóa bỏ các nhà trẻ tự phát, nếu đủ điều kiện hoạt động thì bắt buộc phải lắp camera giám sát để phụ huynh và cơ quan chức năng theo dõi, bảo vệ các bé.

Đặng Thành

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Một học sinh đuối nước trên sông Bồ

Lực lượng chức năng triển khai công tác cứu hộ- ảnh PCCC Khoảng 9 giờ …