Ai cũng cần cải thiện điều kiện làm việc

Mấy ngày nay, ở Huế có chuyện bàn luận về xe xích lô gắn động cơ điện. Người ủng hộ người thì không. Người ủng hộ cho rằng, nó cải thiện được sức người điều khiển. Người không ủng hộ thì lấy luật ra xem, bảo rằng sai quy định. Xử lý thế nào là việc của nhà quản lý, mà đã là nhà quản lý thì phải làm theo quy định, chắc chắn 100% phải buộc xe xích lô tháo điện ra, lắp lại bàn đạp để đạp như trước đây. Việc cải thiện được điều kiện làm việc của đội ngũ xe xích lô hay không cải thiện lại là câu chuyện khác!

Xích lô chở khách du lịch tham quan Hoàng thành. Ảnh: D. Trương

Chúng ta luôn phải thống nhất với nhau là “sống phải theo pháp luật”, tức là phải theo quy định của Nhà nước. Một xã hội vận hành không theo luật và quy định thì không trước thì sau cũng bị chệch choạc. Nhưng rồi nghĩ, luật lệ, quy định cũng không phải là bất biến, nó cũng phải được bổ sung, thay đổi sao cho phù hợp với sự chuyển biến của cuộc sống. Mà sự chuyển biến của cuộc sống bây giờ đôi khi diễn ra rất nhanh, có khi luật và quy định “chạy theo” không kịp. Đó là chưa nói đến những quy định không phù hợp với thực tiễn (hàng trăm giấy phép con, điều kiện kinh doanh đã từng bãi bỏ cho thấy điều này).

Nói tóm lại, mọi sự việc cần đặt lên bàn để xem xét thì chúng ta không nên có thái độ dửng dưng. Điều ưu tiên được xem xét là phải mổ xẻ sự việc để thấy rõ hơn mặt lợi và mặt hại. Nếu mặt hại nhiều hơn thì kiên quyết xử lý. Nhưng nếu mặt lợi nhiều hơn thì chúng ta nên theo đuổi, thậm chí phải sửa quy định. Điều này nó không có gì trái với sự đòi hỏi của thực tiễn, tức là sự đòi hỏi chính đáng của cuộc sống.

Khi đề cập đến xe xích lô gắn máy điện, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh một chiếc xe điện đi thu gom rác hàng đêm qua trước ngõ nhà tôi. Trước đây, không thấy những chiếc xe như thế này mà chỉ là những chị, những anh công nhân đẩy chiếc xe ba bánh cùng với cây chổi để đi thu gom rác. Giờ ý thức của người dân cao hơn, ai cũng vệ sinh sạch sẽ trước nhà mình, rác từ trong nhà được đưa ra bỏ vào một chiếc giỏ gọn gàng đợi những công nhân đến thu gom. Hình ảnh nặng nhọc của anh (chị) công nhân trước đây được cải thiện rất nhiều…

Tại sao chúng ta không thử đặt ra câu hỏi – cần tìm giải pháp để cải thiện điều kiện làm việc của đội ngũ xích lô du lịch. Ở bên Thái Lan có chiếc xe túk túk (cũng ba bánh) như là một biểu tượng của du lịch Thái Lan. Chiếc túk túk của Thái trải qua nhiều kiểu sử dụng năng lượng. Đầu tiên là chạy bằng dầu, sau đó chạy bằng khí ga. Giờ người ta nghiên cứu để chạy bằng năng lượng mặt trời. Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã từng đứng bên cạnh chiếc xe nguyên mẫu của kỹ sư Morakot (người sáng tạo ra chiếc tuk tuk chạy bằng năng lượng mặt trời) để chụp ảnh. Ở Việt Nam, hẳn những người lớn tuổi còn nhớ, có một thời kỳ xe ô tô khách của chúng ta từng chạy bằng than thay dầu.

Giờ chúng ta thử phân tích một số vấn đề mà dư luận quan tâm nhất đó là: quy định của luật pháp, an toàn giao thông, điều kiện làm việc của người lao động, quyền chọn của du khách.

Vấn đề thứ nhất là quy định và chiếu theo quy định, xích lô gắn máy điện là sai. Điều này không cần bàn cãi. Thứ hai, điều kiện làm việc của người lao động: rõ ràng được cải thiện đáng kể. Thứ ba, an toàn giao thông. Điều này chưa thể khẳng định là vì chạy bằng điện mà mất an toàn giao thông hơn là đạp. Yếu tố này chúng ta sẽ khẳng định khi phân tích yếu tố sau – quyền chọn của du khách.

Liên quan đến xích lô du lịch có hai chủ thể – người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Tâm lý chung của du khách khi chọn dịch vụ xích lô là “chạy tà tà bách phố” để ngắm phố phường. Nếu cần nhanh, họ đã chọn phương tiện khác. Cho nên cần khẳng định là họ cần chậm. Còn về phía người chạy xích lô, thiết nghĩ họ cũng chẳng “dại gì” chạy nhanh. Bởi từ trước đến nay họ cung cấp một dịch vụ với mục đích là để chậm. Chậm đã là một đặc trưng của xích lô. Chậm họ mới có tiền. Và có vẻ như càng chậm thì càng được thêm tiền. Thế thì họ không có động lực để chạy nhanh. Mục đích của hai chủ thể nêu trên cộng hưởng lại nó đã loại trừ yếu tố an toàn giao thông. Nếu như xảy ra tai nạn giao thông thì không nằm ở yếu tố điện hay không điện mà ở người điều khiển. Cho nên, có thể khẳng định gắn máy điện là chỉ có lợi chứ không có hại. Chẳng những lợi mà còn mang tính nhân văn.

Một yếu tố quan trọng nữa thiết nghĩ cũng cần lưu ý đó là – nét đặc trưng. Đã làm du lịch thì cần đặc trưng, tức là càng khác biệt, độc đáo càng tốt. Thoạt kỳ nguyên thủy xích lô là đạp. Giờ mất yếu tố đạp, tức là không còn nguyên thủy liệu có còn gây hứng thú nơi du khách? Điều này muốn biết được phải khảo sát nơi du khách. Nếu du khách không còn thích thú thì có khi chúng ta “tự giết chết” một nét đặc trưng!

Xem ra chỉ một việc này thôi mà có quá nhiều mặt cần xem xét. Nhưng theo thiển nghĩ của người viết cũng như những đắn đo mặt lợi mặt hại, người viết cho rằng cái lợi nhiều hơn. Đã lợi nhiều hơn thì nên xem xét sửa đổi quy định. Nhưng không phải chỉ sửa đổi không mà phải kèm điều kiện. Điều kiện quan trọng nhất là xem xét kỹ về mặt kỹ thuật. Quy định về tốc độ như một số ý kiến nêu ra cũng không cần thiết vì như trên đã phân tích, cả bên cung cấp và sử dụng dịch vụ đều muốn… chậm.

Anh lao công và anh đạp xích lô nặng nhọc là hai hình ảnh khá tương đồng. Người nào cũng cần cải thiện điều kiện làm việc như nhau.

Lê Phương

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …