76 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Đổi mới, chủ động, đồng hành cùng dân tộc

Kể từ mốc son lịch sử đó, đến nay, trải qua 15 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, nỗ lực hoàn thành trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với những đóng góp to lớn, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân

Các đại biểu Quốc hội thực hiện nghi lễ chào cờ tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Sau thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, mặc dù trong điều kiện muôn vàn khó khăn nhưng vì quyền lợi tối cao của dân tộc, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, với sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã hoàn toàn thắng lợi, đánh dấu một mốc son chói lọi của tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam.

Thắng lợi này đã mở ra một thời kỳ mới của đất nước có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một hệ thống chính quyền có đầy đủ cơ sở về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về mặt đối nội và đối ngoại.

Diễn ra trong 14 năm, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ, đạo luật cơ bản đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế Nhà nước Cách mạng trong thời đại mới và thông qua Hiến pháp 1959, tạo nền tảng pháp lý cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Quốc hội các khóa II, III, IV và V được tổ chức theo Hiến pháp 1959, đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng, khôi phục kinh tế ở miền Bắc để trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam, cùng với việc đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Cuộc tổng tiến công, nổi dậy và đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Quốc hội khóa VI đã đổi tên nước thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thông qua bản Hiến pháp 1980, Hiến pháp của thời kỳ cả nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Quốc hội khóa VII, khóa VIII được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1980, đã góp phần quan trọng trong việc đưa đất nước vượt qua khó khăn của thời kỳ bị cấm vận, bắt đầu công cuộc đổi mới đất nước. Trong đó, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp 1992, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Quốc hội khóa IX, X được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1992, đã có những đổi mới mạnh mẽ với nỗ lực cao trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Các khóa Quốc hội XI, XII và XIII là Quốc hội của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng; hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng từng bước được đổi mới, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đặc biệt, Quốc hội khóa XIII ban hành Hiến pháp 2013 đã thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta, đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử lập hiến, lập pháp và chủ động hội nhập quốc tế.

Hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và đối ngoại.

Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã tập trung ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa, đưa Hiến pháp năm 2013 vào đời sống, qua đó, khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Công tác giám sát được chú trọng, nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát hầu hết các lĩnh vực.

Quốc hội cũng quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…

Đặc biệt, phương thức hoạt động của Quốc hội luôn được đổi mới, hoàn thiện, thích ứng, linh hoạt trước những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là vào thời điểm đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ. Quốc hội đã có nhiều cải tiến mạnh mẽ từ cách thức tổ chức đến tiến hành các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội có bước tiến đột phá (nhất là kỳ họp thứ 9, thứ 10 đã được tổ chức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung), kịp thời thích ứng với xu thế phát triển của thời đại, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử.

Đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước

Cùng với sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XV đã có sự chủ động đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động. Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cũng để lại dấu ấn với những quyết sách chưa từng có tiền lệ để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới.

Tinh thần “chủ động” được thể hiện rõ nét ngay từ đầu nhiệm kỳ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần khẳng định, Quốc hội sẽ không để xảy ra tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo người”, không chờ các dự án luật được các cơ quan soạn thảo trình sang xong mới cho ý kiến, mà Quốc hội sẽ giữ vai trò chủ động dẫn dắt công tác lập pháp, vào cuộc từ sớm, từ xa, thậm chí “đặt hàng”, cho các cơ quan Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật.

Trên cơ sở đề xuất của Đảng đoàn Quốc hội, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19/KL-TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đây là cơ sở hết sức quan trọng để Quốc hội và các cơ quan chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã vào việc rất sớm, cùng với các cơ quan chủ trì soạn thảo của Chính phủ, đảm bảo chất lượng các dự án luật, khắc phục được tình trạng luật ống, luật khung hoặc “tuổi thọ” luật ngắn; khắc phục tình trạng khi sửa đổi, bổ sung chưa bao quát hết các vấn đề có thể dẫn đến trường hợp vừa mới sửa xong luật đã phát sinh vấn đề mới…

Trong kỳ họp đầu tiên, đã ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua 2 luật, 12 nghị quyết, cho ý kiến 5 dự án luật và quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Không chỉ thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, Quốc hội khóa XV cũng đưa ra những nghị quyết chưa có tiền lệ nhằm đáp ứng những yêu cầu mà thực tiễn đặt ra, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 trao quyền chủ động mạnh mẽ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù, đặc cách để ứng phó kịp thời với dịch COVID-19. Trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện. Nghị quyết đã thể hiện sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, được cử tri và dư luận cả nước đồng tình, đánh giá cao.

Ngay trong những ngày đầu năm mới 2022, Kỳ họp bất thường đầu tiên, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội đã được khai mạc. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước. Để góp phần khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, Kỳ họp diễn ra nhằm có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển. Việc tổ chức Kỳ họp đã cho thấy sự chủ động, tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, với mục tiêu tối thượng là phục vụ nhân dân, sự phát triển của đất nước.

Có thể khẳng định, trải qua 76 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tập trung trí tuệ, bản lĩnh, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri, ở giai đoạn cách mạng nào cũng luôn đồng hành cùng dân tộc, hoàn thành sứ mệnh và trọng trách của mình. Những dấu ấn đổi mới đã tiếp tục khẳng định bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân.

TheoTin tức TTXVN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …