Phun khử khuẩn phòng dịch sốt xuất huyết tại nhà dân
Trong kế hoạch này, Thừa Thiên Huế đặt ra mục tiêu chung là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình của giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Có 3 chỉ tiêu chuyên môn được xác định rõ, gồm: 100% các dịch bệnh mới được phát hiện và xử lý kịp thời; 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo quy định, không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn; 100% cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, nâng cao chất lượng và áp dụng hệ thống báo cáo điện tử.
Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể đối với một số bệnh truyền nhiễm, gồm: 100% ổ dịch COVID-19 được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong. Không để dịch bệnh Ebola, MERS-CoV, cúm A(H7N9) xâm nhập vào Việt Nam. 100% ổ dịch bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H5N6) được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng. Không để bệnh sốt xuất huyết xảy ra thành dịch bệnh lớn; tỷ lệ tử vong/mắc ít hơn 0,09%; tỷ lệ ca lâm sàng được xét nghiệm định tuýp vi rút là 3%. Không để bệnh sốt rét xảy ra thành dịch bệnh lớn, tiến tới loại trừ sốt rét hoàn toàn trên địa bàn toàn tỉnh. Khống chế ở mức ít hơn hoặc 7 trường hợp tử vong đối với bệnh dại. Khống chế tỷ lệ mắc ít hơn 10,4/100.000 dân và tỷ lệ tử vong ít hơn 0,05% đối với bệnh tay chân miệng. 100% ổ dịch các bệnh: tiêu chảy, tả, lỵ trực trùng cũng được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan trong cộng đồng… Đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; 95% đơn vị xã, phường trở lên đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, UBND tỉnh đã nêu rõ các nội dung hoạt động của các ngành chức năng liên quan trong các mức độ, khi chưa có dịch và khi có dịch xảy ra. Trong các giải pháp, giải pháp chuyên môn được nhấn mạnh ở nội dung giảm tỷ lệ mắc và giảm tử vong. Trong đó, đối với dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất. Hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi và người từ 18 tuổi trở lên, không để sót, đặc biệt là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi. Đẩy mạnh triển khai tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022, đặc biệt nhóm đối tượng thường xuyên di chuyển và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế; tăng cường quản lý người có nguy cơ cao…
Để giảm tỷ lệ tử vong các ca mắc trong các bệnh truyền nhiễm, ngành y tế tiếp tục nâng cao năng lực y tế cơ sở, sẵn sàng trang thiết bị, nhân lực, thuốc điều trị, ô xy…; tổ chức phân tầng điều trị, hình thành các trạm y tế lưu động để cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, tại nhà; đảm bảo tất cả trường hợp nhiễm vi rút đều được theo dõi y tế, chăm sóc sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất. Đồng thời, tăng cường nâng cao năng lực khám, chữa bệnh các tuyến, đặc biệt tuyến y tế cơ sở, tổ chức phân tầng, phân tuyến điều trị và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám chữa bệnh…
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN