Lắp đặt camera trên các tuyến giao thông TP. Huế nhằm giúp các lực lượng chức năng kịp thời xử lý vi phạm và hỗ trợ phân luồng ùn tắc giao thông
Tạo thuận lợi cho người dân
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT cho hay, CĐS là chuyển đổi và thay đổi phương thức điều hành, hiện đại hóa quy trình công việc bằng công nghệ thông tin (CNTT) để giảm bớt các thủ tục, chi phí. Hiện nay, Bộ GTVT đặt ra các nhóm giải pháp chính, như xây dựng các nền tảng phát triển thu phí, giao thông thông minh, quản lý phương tiện giao thông, kiểm soát nhận dạng phương tiện, giám sát hành trình…
Đối với các thủ tục hành chính về quản lý người điều khiển phương tiện và hoạt động vận tải đang thực hiện trực tuyến mức độ 3,4 và được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% số lượng bộ hồ sơ thực hiện tại Bộ GTVT được nộp trực tuyến mức độ 3, 4.
Thời gian qua, ở Thừa Thiên Huế, các sở, ngành liên quan đẩy mạnh ứng dụng CNTT, từng bước CĐS trên từng lĩnh vực nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Mới đây, UBND tỉnh giao Sở GTVT chủ trì thực hiện các nội dung về nâng cấp hạ tầng CNTT; lựa chọn cán bộ có đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ tham gia tập huấn, tiếp nhận phần mềm để tổ chức triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN).
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT về tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp (DN), TCĐBVN tổ chức thực hiện thành công thí điểm cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia qua 2 giai đoạn. Trong đó, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương chuẩn bị thực hiện thí điểm công tác này.
Lãnh đạo Văn phòng Sở GTVT chia sẻ, việc đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Người dân có thể ngồi tại nhà đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng, sau đó có thông báo đến trung tâm hành chính công hoàn tất các thủ tục còn lại; từ đó giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại rất nhiều so với trước đây.
Bên cạnh thủ tục trên, Sở GTVT đang thực hiện mức độ 3, 4 với nhiều nội dung trên Cổng dịch vụ công quốc gia, như cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; cấp lại phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải…
Hiệu quả trong quản lý
Thời gian qua, các bộ ngành liên quan đã triển khai một loạt dự án nhằm ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông. Trong đó, Bộ GTVT đã có hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình ô tô kinh doanh vận tải, dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, dữ liệu đăng kiểm ô tô. Bộ Công an đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông, xây dựng hệ thống camera giám sát hỗ trợ xử phạt vi phạm trên các tuyến cao tốc và quốc lộ. Đây chính là cơ sở để phân luồng, giảm thiểu ùn tắc giao thông hiện nay.
Theo Công an tỉnh, việc lắp đặt camera giao thông đồng nghĩa với việc sử dụng công nghệ vào quản lý Nhà nước, tạo cơ sở để cảnh sát giao thông xử lý vi phạm, giảm bớt việc ra đường của cán bộ cảnh sát giao thông. Từ đây, cảnh sát giao thông không cần phải tiếp xúc với tài xế, tránh tiêu cực, tham nhũng ngầm, nâng cao trách nhiệm, danh dự của người cảnh sát giao thông.
Việc quản lý hình ảnh từ camera giao thông được triển khai từ cuối năm 2019, kết nối vào phần mềm HueS. Đó là những hình ảnh ghi nhận trực tiếp qua hệ thống camera giám sát giao thông trên Quốc lộ 1, các tuyến đường nội ô TP. Huế. Nhờ đó, mỗi năm lực lượng chức năng đã phát hiện gần 3 nghìn trường hợp vi phạm; trong đó xử lý trực tiếp và gửi thông báo trên 50% số vụ được phát hiện, góp phần ngăn chặn vi phạm, hạn chế tai nạn giao thông có thể xảy ra.
Trong lĩnh vực vận tải, thời gian qua việc quản lý bến bãi, thi sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện được đẩy mạnh thông qua hệ thống lắp đặt camera ghi lại hình ảnh để có cơ sở điều hành, quản lý giám sát. Đơn cử tại các bến xe phía nam, bắc TP. Huế đã lắp đặt hệ thống camera, tạo cơ sở cho lãnh đạo bến quản lý theo dõi tình hình hoạt động toàn bến. Nhiều sự việc, sự vụ gây ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự, phá vỡ biểu đồ hoạt động trong bến đều được lãnh đạo chủ động phối hợp giám sát, giải quyết kịp thời.
Việc quản lý phương tiện được đẩy mạnh thông qua quy định xe kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát hình ảnh theo Nghị định 10 của Chính phủ cũng được ngành chức năng địa phương quan tâm.
Theo ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý phương tiện-Đăng kiểm, Sở GTVT, thời gian qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng lực lượng chức năng địa phương đã tuyên truyền, vận động đơn vị, DN, nhà xe lắp đặt camera giám sát. Đến cuối năm 2021, số phương tiện lắp đặt camerra giám sát hành trình ở địa phương chỉ đạt khoảng 20%. Hiện nay, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị các DN vận tải khẩn trương lắp đặt; đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát các lái xe của phương tiện vi phạm trên qua thiết bị giám sát hành trình để kịp thời nhắc nhở, có biện pháp xử lý. Từ đó, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và thực hiện nghiêm các điều kiện về hoạt động kinh doanh vận tải khi tham gia hoạt động theo quy định.
Bài, ảnh: Minh Văn