Việc “treo” sách này, tôi cũng đã gặp ở một vài nơi. Nói “treo” là vì tôi đã phải đập phủi bụi khi dừng lại bên kệ và rút ra một tựa sách. Hẳn cuốn sách ấy đã nằm ở đó cũng lâu rồi, giấy đã ngả vàng xung quanh viền. Nhớ tôi đã xuống bếp của căn villa đó kiếm một con dao nhỏ để rọc mấy trang bị lỗi chưa xén hết…
Gần đây, xu hướng décor theo hình thức xưa đã trở lại ở nhiều không gian lưu trú, nhất là những homestay, biệt thự hay các quán coffee theo kiểu vintage. Nếu chịu khó quan sát, chúng ta dễ nhận ra những kệ sách ấy không phải để đọc. Chúng là nơi để các bạn trẻ check-in. Như chúng tôi hay nhìn thấy những bạn trẻ đến check-in trước bảng dán báo hàng ngày của một cơ quan báo chí.
Có một thực tế là việc tìm mua/mượn hay trao đổi sách giữa những người trẻ không còn “khát” như những thế hệ trước đó. So với ngày xưa, những người trẻ bây giờ chắc chắn có nhiều mối quan tâm, thậm chí bận bịu hơn khi cầm smart phone trên tay. Có quá nhiều thứ ở trong đó, từ tin tức, thời trang, phim ảnh, drama đến những cuộc trò chuyện có khi thật dài trong các cửa sổ dùng để chat và mật khẩu wifi là điều mà khách hỏi nhiều nhất khi dừng chân ở các quán coffee, nhà hàng, nơi nghỉ dưỡng. Vậy nên, wifi và tốc độ truy cập wifi chắc chắn sẽ là điều mà bất cứ cơ sở dịch vụ nào cũng phải lưu tâm hàng đầu.
Trở lại việc “treo” sách, tôi vẫn thấy có một phần tích cực trong cách décor này. Ít ra thì nó cũng nhắc về một hình thức thể hiện khác phía sau những trang sách được đặt trên giá/kệ chứ không chỉ là những gì có trên smart phone. Ít ra thì những giá sách hay kệ sách được “treo” ở đó cũng sẽ làm người ta nhớ rằng, còn có một đời sống khác, những cung bậc khác của tình cảm, tri thức, tính nhân văn… Tôi cứ nghĩ về sự hiện diện ấy như một sự nhắc nhở, và bằng một cách nào đó – hy vọng thế – việc tiếp cận với sách trong công chúng sẽ tốt hơn.
Có một điều chắc chắn là để sách – hay nói cách khác là văn hóa đọc sách – đến được với công chúng, cần có nhiều cách tiếp cận khác và bằng cách tạo ra những tương tác khác để “kích hoạt” việc đọc đến thích đọc. Đây cũng là lúc cần những sân chơi về sách bên cạnh những sân chơi khác để chuẩn bị cho công chúng tiềm năng trong các trường học, với sự hướng dẫn, tạo ra những “game show mini” về sách một cách gần gũi, dễ thương nhất. Với công chúng ở các độ tuổi khác, có thể sẽ là những cuộc bình luận, thảo luận, nhận xét về những đầu sách vừa xuất bản, những cuốn sách đang được dư luận chú ý của các tác giả có tên tuổi hay những tác giả mới…
Có lẽ đây cũng một cách kỳ vọng để sách thật sự đến được với công chúng trong môi trường vô cùng nhiều thứ để đọc/xem/nghe hiện nay.
NGUYỄN HÀ CHI