Nhà có ban công

Sân trước có cá và có hoa

Quyết định mua đất và làm nhà của chúng tôi diễn ra chóng vánh, sau quãng thời gian kinh hoàng với lụt nơi nhà cũ. Duyên may chỗ đất mới gần trường, gần chợ và quan trọng nhất là gần nhà cũ. Con tôi có thể đi bộ đến trường, bà nội các cháu cũng không phải rời bỏ những điều đã cũ, đã thành thói quen và các mối quan hệ đã có từ hàng chục năm gắn bó.

Yêu thích cái mới và lựa chọn lối sống hiện đại nên mọi thiết kế trong ngôi nhà từ nội thất đến màu sơn, góc bếp đều được chúng tôi thống nhất chọn những xu hướng, gam màu “thời thượng” nhất. Song, nó không quá cầu kỳ, rườm rà. Gam màu chúng tôi chọn là trắng và xám, kết hợp với tông đen cho một số vật dụng và nội thất, như tủ quần áo, bếp, tủ lạnh, bậc cầu thang… để tạo nên sự hài hòa cho tổng thể công trình.

Ở tầng hai, ngoài hai phòng ngủ và phòng thờ được bố trí hợp lý, chúng tôi cũng dành một phần diện tích để đặt bộ bàn ghế nhỏ có xích đu – là điều tôi luôn ao ước có được từ lúc còn là sinh viên. Ở ban công phía trước, dù diện tích không đủ để đặt bộ bàn ghế nhưng cũng thừa sức để tôi ngắm mây trời.

Ban công thoáng mát

Thích nhất vẫn là không gian phía sau phòng ngủ được thiết kế thoáng rộng, vừa có thể treo những chậu hoa đủ màu yêu thích, lúc nắng đẹp có thể kéo rèm nhìn bầu trời trong xanh. Lúc mưa giăng kín, ngồi ngắm màn mưa qua cửa kính cũng lãng mạn không kém những quán cà phê có view “triệu đô”.

Chồng tôi thì có niềm đam mê bất tận với cá koi nên trong bản vẽ thiết kế, bằng mọi giá phải có chỗ để làm hồ nuôi. Thế nên, diện tích sân trước nhà bị chiếm mất một phần. Thật ra thì cũng vì cái hồ cá này mà chúng tôi nhiều lần “nội chiến”, bởi sự tốn kém, mất thời gian cho việc chăm sóc và đầu tư thiết bị, máy móc, điện nước… Thế nhưng, nuôi chúng một thời gian tôi lại thấy, đôi lúc bực dọc trong lòng cũng tan biến khi nghe tiếng nước chảy từ thiết bị lọc và còn bởi sự thân thiện của lũ cá koi, cứ hễ thấy người đưa tay ra là ngoi lên đớp. Chúng háu ăn nhưng cũng rất hiền lành, ai cũng có thể làm bạn. Vậy nên, khách đến thăm nhà mới, việc đầu tiên là ngắm cá, rồi mới tham quan nhà. Bọn con nít trong xóm cứ hễ thấy tôi mở cửa là ùa vào, xúm xít ở bể cá. Nhiều buổi trưa chưa ngủ dậy đã thấy vài chú nhóc lấp ló ngoài cổng. Cũng nhờ bể cá và lũ trẻ mà chúng tôi nhanh chóng thân quen với hàng xóm hơn. Bạn cùng nhà cũng không quên sắm thêm bộ bàn nhỏ xinh để khách có thể ngồi uống trà ngắm cá…

Ở nhà mới gần nửa năm, nghĩ lại tôi thấy quyết định của mình thật đúng đắn. Nếu mãi do dự, chờ đợi nhà cũ giải tỏa, đền bù để đến nơi ở mới thì có lẽ, mùa đông năm ngoái cũng không thể thư thái khi mà cái lụt, bão cứ đeo đẳng ở xứ mưa cũng lắm mà nắng cũng dữ này.

Đến nhà mới, chúng tôi chỉ băn khoăn một điều là lo mẹ già đã quen nơi cũ, quen với nếp sinh hoạt mấy mươi năm của người xuất thân từ ruộng đồng, nghèo khó. Mọi mối quan hệ cũng vì thế chỉ gắn với vài nhà xung quanh, vài người cùng lứa. Thế nhưng, cũng may là mẹ sớm thích nghi với nơi ở mới, cách sống mới. Hàng xóm tuy cũng “đèn nhà ai nấy rạng” nhưng các sinh hoạt rất nề nếp, từ việc tâm linh đến các hoạt động cộng đồng. Thích nhất vẫn là “Ngày Chủ nhật xanh”, tuần nào mẹ cũng dậy sớm cùng các cô, các bác trong xóm ra khu đất chung được xem như công viên để quét dọn lá, rác và trò chuyện. Và mẹ cũng bắt đầu có thêm nhiều bạn mới cùng đi chợ, cùng quét dọn, chuyện trò…

Mọi cái mới lúc bắt đầu đều sẽ có điều chưa quen và có phần bỡ ngỡ. Thế nhưng, nếu không mạnh dạn thay đổi thì mãi mãi sẽ chẳng bao giờ phát triển được. Áp lực về kinh tế chắc chắn có, nhưng đó là vấn đề rồi sẽ giải quyết được theo thời gian, sự chăm chỉ và cùng nhau đồng hành. Cái được lớn nhất mà chúng tôi có là cả nhà được sống trong một không gian thoáng đãng, yên bình…

Bài, ảnh: HỒNG TÂM

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …