Người đàn ông áng chừng 65 tuổi, gương mặt sạm đen, dáng vẻ khắc khổ. Ông khẽ khàng ngồi xuống bên lề đường, ngay dưới gốc cây bàng và trước mặt là một rổ cá cấn, cá mại, loại cá be bé được xem là cá của người nghèo. Ông không hề biết rằng, đang ngồi chiếm chỗ trước mặt hàng của người ta trong khi họ chưa dọn đến. Thấy vậy, người chủ nhà ra khuyên ông nên dọn đến chỗ khác ngồi bán, kẻo ngồi sát ngoài lề đường xe cộ qua lại đông sẽ rất nguy hiểm. Người đàn ông khẽ “dạ” rồi vừa thu dọn vừa nói, giọng thấp xuống: “Dạ, tui có biết mô, tui chưa khi mô lên chợ ni bán. Cá ni là do tui làm nghề cả đêm được chừng ni nên đem bán kiếm vài đồng mua gạo!”
Nghe vậy bà chủ nhà động lòng (bà vốn vậy, hay mủi lòng khi nghe người ta kể lể), liền hỏi cá bán thế nào để bà mua mì xưa cho. Ông nói bán 2 chén 10 ngàn đồng. Bà mua ngay hai chén, đã vậy ai đi ngang bà cũng mời mua giùm. Người đàn ông luôn tay đong cá, lập cập đếm tiền. Nét mặt khắc khổ của người dân chài một nắng hai sương thoáng một chút nắng mùa xuân đang chiếu rọi những tia ngày ấm áp.
Huế vẫn có rất nhiều những người đàn ông bán buôn như vậy. Như hình ảnh những người đàn ông ở làng Vân Cù đi bán bún thuở xưa, những chú bán bánh bao ở làng Chuồn ngày nay. Tiếng rao một thời của người đàn ông Vân Cù ngày ấy nghe rất chuyên nghiệp, tiếng “bún nì” nhún nhảy theo mỗi nhịp dẻo dai của chiếc đòn gánh tre, len lỏi vào tận xóm làng heo hút. Con ngõ nhà chị dài, mạ sợ kêu mà chú không nghe nên hồi nhỏ chị vẫn thường được mạ sai ra ngồi sẵn ngoài con ngõ chè tàu chực chú bán bún đi ngang qua mỗi lần nhà muốn ăn bún. Dù mải chơi đến mấy, nhưng tiếng rao “bún nì” vẫn không quên nhắc chị việc mua bún mạ sai. Bàn tay chú đen sạm, cứng cỏi nhưng những cọng bún của chú thì mềm mại, trắng trẻo. Chị vẫn thường có sự so sánh âm thầm như vậy mỗi lần nhìn chú cân bún trên chiếc dĩa cân có ba đầu dây và cục cân treo trên cái dĩa, tay bớt thêm thoăn thoắt, chuyên nghiệp.
Bánh bao làng Chuồn bây giờ thay đổi hơn xưa một chút, đó là tiếng rao được thu âm và tự động phát ra. Điều đó cũng khá tiện cho các chú, vì tiếng rao vang to hơn và đỡ phải tốn sức cho mấy chú đi bán hơn. Khác với bún mấy chú làng Vân Cù đi bán buổi sáng đến trưa, bánh bao được mấy chú làng Chuồn bán từ chiều đến tối khuya, có khi hai ba giờ sáng vẫn còn thấy họ bán. Ấy là, các chú bán ở các hàng quán ăn khuya, những người khách ban đêm muốn ăn một cái bánh bao cho ấm bụng.
Chị nhớ tiếng rao bánh mì khi nhà chị còn làm nghề hương trầm. Mạ chị vẫn gọi bác bánh mì vào mua đãi thợ, bác già nua như chiếc xe bánh mì được treo trên chiếc xe đạp cọc cạch. Ấy vậy mà chiếc xe đó đã cùng bác đi qua bao nhiêu năm tháng, làm ấm lòng không biết bao người trong những đêm khuya, tiết trời giá lạnh, với ổ bánh mì bình dân ruột đỡ cồn cào. Còn nhiều lắm những người đàn ông phải ra chợ bán buôn bươn chải, nhất là từ sau cơn đại dịch số người thất nghiệp nhiều. Họ không thể cứ ở nhà chờ mãi và chợ là nơi họ có thể đến đó mong kiếm được đôi ba đồng để lo cho gia đình.
Chẳng mấy chốc rổ cá đã hết sạch, người đàn ông ngồi bệt xuống lề đường đếm tiền, những tờ tiền lẻ mệnh giá 5 ngàn, 10 ngàn cũ kỹ. Chị bán dừa ngồi gần đó cũng góp một phần vào việc mời chào khách mua cá giúp ông, mà quên đi mình còn phải chặt dừa bán cho người ta. Chị nhẩm tính, với rổ cá này người đàn ông bán hết có thể được 100 ngàn đồng. Chị cũng mua hai chén cá, chị cũng chỉ có thể giúp ông như thế.
Xong, chị lại cắm cúi róc dừa, những trái dừa lại nhòe trước mặt chị, những đứa con của chị cũng đang chờ mẹ mang mùa xuân về. Chị chợt nghĩ, nếu chốn nhân gian này ai cũng chia nhau một chút tình, thì lo gì mùa xuân không đến với hết thảy mọi người…?
Trang Thùy