Sau tết, nhiều nhà vườn nhận chăm hoàng mai tất bật với công việc chăm bón, tạo dáng, thay đất…
Việc nhận chăm sóc hoàng mai và cây cảnh là dịch vụ có từ lâu và thịnh hành những năm trở lại đây.
Nhu cầu lớn
Những ngày sau rằm tháng giêng, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe chở hoàng mai về các khu nhà vườn. Ấy là những cây hoàng mai được chính chủ nhân đem “đi gửi” hay được các chủ nhà vườn cho xe đến tận nhà để “rước” về theo thoả thuận chăm sóc sau một mùa chơi tết.
Vườn mai ông Nguyễn Giặt ở phường Xuân Phú, TP. Huế sau gần 1 tháng thưa vắng thì nay “xôm tụ” trở lại. Với hơn 30 năm kinh nghiệm nhận chăm sóc hoàng mai, ông Giặt nhận tất cả các loại mai nhiều kích cỡ về chăm. “Có cây chỉ vừa mới bắt đầu cho hoa, nhưng cũng có cây bằng tuổi đời của mình”, ông Giặt nói.
Trong số cây nhận chăm có cây từng được ông ươm trồng, bán cho người chơi rồi sau đó nhận chăm luôn cho khách. Có cây thuộc hàng quý giá về mặt tiền bạc lẫn tinh thần cũng được khách tín nhiệm gửi chăm. Trong khu vườn lớn với hơn 30 cây hoàng mai, chỉ cần liếc mắt ông biết ngay tuổi đời, chủ nhân của nó. Đó là chưa kể hơn 20 cây sẽ được mang đến trong một vài ngày tới.
“Có cây chỉ mới gửi vài ba năm, nhưng có cây được chủ nhân gửi hơn cả chục năm”, ông Giặt kể. Cách đây chục năm, ông cho biết ban đầu chỉ nhận mai từ vài người quen, sau đó thấy ông chăm sóc tốt, cây phát triển và cho ra hoa đúng dịp nên người “mách miệng” nhau đem tới gửi.
Ngày đó, ông chỉ lấy đủ tiền phân thuốc và công chăm bón chỉ vài trăm ngàn đồng/năm. Nhận thấy đây là nhu cầu của nhiều người, về sau ông đầu tư một số hệ thống, trang thiết bị cần thiết nhận chăm nhiều cây hơn. Mức độ chuyên nghiệp cứ thế tăng dần, trải qua thời gian, khách tìm đến với ông đủ đối tượng, người chơi.
“Bây giờ tuỳ theo cây, mức giá khác nhau, nhưng trung bình từ 1,5 – 4 triệu đồng cây/năm, nhà vườn dưỡng mai trong 11 tháng, đến khoảng giữa tháng chạp, chủ nhân đến đón về chơi”, ông Giặt nói và cho biết, trong quá trình đó, chủ nhân cây có thể lui tới để thăm non, quan sát. Theo ông, những năm gần đây, vườn của ông không thể nhận thêm vì quá tải, nên phải giới thiệu cho nhiều vườn khác.
Nghề chăm cũng lắm công phu
Nhiều người tưởng công việc chăm hoàng mai nhẹ nhàng nhưng với những người trong nghề, để lấy tiền từ khách hàng không hề đơn giản. Bên cạnh kinh nghiệm chăm sóc, đó còn là sự uy tín của chủ vườn.
Ngay khi vườn nhận cây về những ngày này, nhiều chủ vườn đã phải tất bật cắt tỉa cành, tỉa hoa búp còn sót lại để cây có thể lấy lại sức, phục hồi sau thời gian chơi tết. Cứ thế, theo thời gian ấn định phải bón phân, tưới nước, thay đất, tỉa rễ, uốn thế… làm sao đến tết, hoa lại nở đẹp.
Hơn 5 năm gửi hoàng mai 30 năm tuổi, anh Nguyễn Định (phường Xuân Phú, TP. Huế) nói rằng, với mức giá chi ra 2 triệu/năm để gửi cho nhà vườn chăm sóc là hợp lý. Theo anh Định, cây hoàng mai bên cạnh giá trị về mặt tiền bạc, nó còn có giá trị tinh thần gắn bó với chủ nhân. Vì thế, do không có thời gian để chăm sóc nên anh mang gửi cho nhà vườn thân quen. “Người ta có nghề, chăm sóc bài bản nên năm nào cây cũng cho hoa. Ít thì cũng lác đác đủ chơi tết, năm nhiều thì nở rực rất đẹp”, anh Định chia sẻ.
Trước giá trị của những cây hoàng mai, nhiều chủ vườn cho rằng bên cạnh việc chăm sóc, phải đầu tư nhiều hệ thống khác, trong đó quan trọng nhất là an ninh. Ngoài hàng rào kiên cố, còn phải lắp đặt hệ thống camera để theo dõi, quan sát.
Anh Lê Hồng Hải (đường Lý Nam Đế, TP. Huế) có hơn chục năm nhận chăm sóc hoàng mai, hầu hết người gửi là khách quen. Tính đến những ngày này, vườn anh đã nhận chăm gần 20 chậu hoàng mai. “Tuỳ theo mỗi vườn mà giá khác nhau. Riêng tôi, tôi lấy 2-4 triệu đồng/cây, bao gồm chăm sóc trọn gói”, anh Hải nói. Với số tiền như vậy, công sức người chăm hoàng mai bỏ ra không kể hết bởi làm nghề này một phần còn vì đam mê. Bằng kinh nghiệm của mình, anh Hải cho rằng, để cây có thể cho hoa đẹp, đúng dịp, trong suốt một năm chăm sóc phải kỹ lưỡng, trong đó lớp lá của cây phải sinh trưởng tốt, mạnh và không có sâu rầy. Cũng có năm dù chăm sóc kỹ lưỡng, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết nên có cây không ra hoa, anh Hải cũng như giới nhà vườn đành đưa những cây mai của mình cho khách mượn chưng tết.
Tương tự, việc cắt tỉa, uốn thế, tạo hình cho cây tự tay anh Hải đảm nhận. Đến những đợt thay đất, bón phân, phun thuốc, anh phải thuê thêm người vì mất nhiều thời gian, công sức. Ngoài ra, anh còn trang bị hệ thống camera chống trộm. “Cây mai là tài sản người ta gửi mình, nó có giá trị cao nên bằng mọi giá phải bảo vệ”, anh Hải nhận định.
Bài, ảnh:Nhật Minh