Theo khoản 1 Điều 100 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động điều trị bệnh tại nhà phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Bác sỹ trẻ Lê Kim Bình, Trưởng khu điều trị F0 nhẹ – trung bình (Bệnh viện Dã Chiến số 1, Khoa lao phổi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bến Tre) thăm khám bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Trong khi đó, theo điểm a khoản 1 Điều 20 của Thông tư 56/2017/TT-BYT, giấy chứng nhận này do cơ sở khám, chữa bệnh cấp.
Hiện nay, chưa có hướng dẫn thống nhất nào về việc trường hợp F0 điều trị tại nhà thì xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH ở đâu, do ai cấp? mà mỗi địa phương lại có hướng dẫn khác nhau.
Ví dụ, tại TP Hồ Chí Minh đã có Công văn 9000/SYT-NVY hướng dẫn như sau: Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý F0 tại nhà sẽ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Tuy nhiên, một số địa phương khác, Trạm Y tế chỉ cấp giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà, sau đó người lao động cần nộp giấy này cho Trung tâm y tế huyện để cấp giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Khi đã có được giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH, người lao động nộp lại cho công ty để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau với mức hưởng bằng 75% mức đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Như vậy, trong mọi trường hợp, F0 điều trị tại nhà vẫn cần phải khai báo với Trạm y tế để có được giấy xác nhận hoàn thành điều trị COVID-19, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và hưởng tiền trợ cấp ốm đau theo quy định của Luật BHXH.
Nếu không khai báo y tế, sẽ không được cấp giấy và tự mình đã đánh mất quyền lợi này. Ngoài ra, việc khai báo với Trạm y tế cũng là cần thiết để người dân được hướng dẫn về cách thức cách ly, điều trị.
TheoTin tức TTXVN