Đào tạo nghề trồng nấm cho người lao động để tăng giá trị sản xuất
Thuần nông kết hợp phi nông nghiệp
Chị Nguyễn Thị Hương Xuân, ở xã Phong Thu (Phong Điền) sau mấy năm học xong trung học phổ thông chỉ biết quanh quẩn với ruộng trưa, nuôi lợn, gà để cải thiện kinh tế gia đình. Cách đây mấy năm, khi có một số nhà máy may, nhà máy đông lạnh về hoạt động tại địa phương, chị đăng ký tuyển dụng lao động và được tham gia lớp may cấp tốc do huyện tổ chức thông qua trung tâm dạy nghề của huyện. Trước kia làm thuần nông, thu nhập của chị Xuân và các lao động chính trong gia đình rất thấp, bấp bênh. Nhưng từ khi được học nghề và vào làm việc tại một công ty may mặc, thu nhập của chị mỗi tháng bình quân 6-7 triệu đồng. Chị còn được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và được hưởng chế độ chính sách, thăm hỏi khi ốm đau, nghỉ thai sản.
Anh Lê Viết Chương ở xã Phong Chương (Phong Điền) tuy vẫn bám nghề nông, nhưng được hỗ trợ tham gia khóa học nghề chăn nuôi gia cầm, kỹ thuật trồng chăm sóc cây lâm nghiệp, anh mạnh dạn “làm lớn” là lập trang trại vườn – ao – chuồng trên vùng trằm cát. Với kiến thức được học cộng thêm chăm làm, thu nhập từ mô hình gia trại của anh cho thu nhập cao hơn gấp vài lần so với trồng lúa trước đây.
Qua báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên toàn tỉnh của ngành lao động – thương binh và xã hội, đã có 34.171 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Trong đó, nghề nông nghiệp là 8.545 người (chiếm tỷ lệ 25%), phi nông nghiệp là 25.626 người (chiếm tỷ lệ 75%). Trong số 34.171 lao động nông thôn đã được đào tạo, có 32.091 người đã học xong và có 29.208 người có việc làm sau học nghề (nghề nông nghiệp là 7.527 người, nghề phi nông nghiệp là 21.681 người). Có 14.625 người được doanh nghiệp (DN) tuyển dụng, chiếm 50,1% số người có việc làm sau học nghề; 1.448 người được DN nhận bao tiêu sản phẩm, chiếm 5% số người có việc làm sau học nghề; 981 người thành lập tổ nhóm sản xuất, HTX, DN, chiếm 3,4% số người có việc làm sau học nghề. Có 12.154 người học xong tự tạo việc làm hoặc làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn.
Thực hiện phương châm “chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”, tình trạng chạy theo số lượng, chỉ tiêu đã được khắc phục tích cực; dạy nghề gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quan trọng hơn là người dân từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ đã chuyển sang học nghề để tìm việc làm chuyển đổi nghề nghiệp, học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, có năng suất, thu nhập cao hơn.
Hiệu quả về sinh kế
Thông qua các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn đã mang lại hiệu quả tích cực, các sản phẩm từ mô hình được thị trường chấp nhận, cho giá trị thương phẩm và hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như mô hình nuôi cá nước lợ, nước ngọt, mô hình đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 cho ngư dân trong tỉnh. Qua đào tạo nghề đã giúp ngư dân nắm vững nguyên tắc sử dụng, sửa chữa các thiết bị điện tử và máy móc trên tàu, sử dụng thành thạo các thiết bị trong khai thác thủy sản, đọc các chi tiết về tọa độ, bản đồ, vùng nước… Sau đào tạo nghề, ngư dân đã được cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng hội đủ điều kiện để tham gia khai thác, đánh bắt thủy sản theo quy định.
Việc dạy nghề may công nghiệp theo chương trình đào tạo của các DN, như: Công ty CP Vinatex Hương Trà tại TX. Hương Trà, Công ty Thiên An Phú tại huyện Phú Vang, Công ty Scavi tại huyện Phong Điền; mô hình dạy nghề trồng nấm, rau sạch ở xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền), trồng nấm Linh Chi ở Nam Đông… là những mô hình khá hiệu quả và đang được nhân rộng trong toàn tỉnh.
Qua 10 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là khu vực nông nghiệp và nông thôn; nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác, tác phong làm việc của người lao động theo hướng tiếp cận với tác phong công nghiệp. Sau học nghề, người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập, giảm dần khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững. Dạy nghề đối với các nghề nông nghiệp phải gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Các nghề phi nông nghiệp phải gắn với quy hoạch sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và nhu cầu sử dụng lao động của DN. Giai đoạn 2021-2025, ngành LĐTB&XH tỉnh sẽ đào tạo trên 15 ngàn lao động nông thôn, trong đó có 2 ngàn lao động nông nghiệp và 10 ngàn lao động phi nông nghiệp.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG