Hướng đi mới từ hợp tác xã du lịch cộng đồng

Dịch vụ chèo thuyền sup được khách lựa chọn

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo giới thiệu, Quảng Điền có đầm phá Tam Giang với diện tích 3.500ha mặt nước; diện tích rừng ngập mặn tập trung rộng gần 47ha. Vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên thơ mộng, hữu tình và nguồn lợi thủy sản đem lại từ đầm phá Tam Giang tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế, đặc biệt là hoạt động du lịch. Riêng Quảng Lợi – một trong những địa phương đã tận dụng lợi thế có được từ vùng đất ven phá Tam Giang để phát triển du lịch cộng đồng. Nhiều tour, tuyến du lịch được kết nối với địa phương. Kết cấu hạ tầng được huyện, xã quan tâm đầu tư đồng bộ phục vụ phát triển du lịch như mở đường đến đầm phá, bến đò, nhà hàng, dịch vụ lưu trú…

Điều đáng mừng, một bộ phận người dân trước đây chỉ phụ thuộc vào nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nay cải thiện đời sống nhờ tham gia các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch (DVDL) như sản xuất, kinh doanh hàng lưu niệm, hướng dẫn và đưa đón khách du lịch, kinh doanh, dịch vụ lưu trú. Hoạt động du lịch còn tạo cơ hội tiêu thụ hàng hóa và xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng của địa phương như rau an toàn, thủy hải sản, tôm chua, nước mắm…

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo cho rằng, việc thành lập HTX DVDL cộng đồng Quảng Lợi có nhiệm vụ quan trọng trong việc khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển DVDL tại địa phương cũng như trên địa bàn huyện Quảng Điền. Thông qua HTX, các thành viên tích lũy kinh nghiệm trong tổ chức các DVDL cộng đồng, du lịch trải nghiệm đáp ứng nhu cầu du khách. Từng thành viên được kết nối với nhau và được tổ chức dịch vụ một cách bài bản hơn, có sự tác động, hỗ trợ lẫn nhau, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, tranh giành khách, phá giá… Từ đó, tạo tâm lý an toàn và thoải mái cho du khách.

Các thành viên được đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ kinh doanh DVDL, được tư vấn mở rộng và phát triển thêm các loại hình dịch vụ mới. Trước mắt, khi mới thành lập HTX có từ 5 – 10 sản phẩm dịch vụ, khả năng cung ứng các sản phẩm này khá thuận lợi vì có sẵn trong thành viên, không tốn chi phí đầu tư. Dịch vụ phục vụ du khách hiện có như thuyền súp, vận chuyển khách bằng đò, tổ chức và giới thiệu – xúc tiến thương mại phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi, tham quan, trải nghiệm; thuyết minh, bán các sản phẩm đặc sản của địa phương, dịch vụ bao tiêu sản phẩm nông, lâm, ngư, các trò chơi dân gian.

Hiện có một số doanh nghiệp đang muốn đến Quảng Lợi để đầu tư kinh doanh du lịch trải nghiệm. Các doanh nghiệp này có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, có sẵn các tour khách du lịch và có vốn kinh doanh lớn. Đây cũng là lợi thế để HTX có thể khai thác, thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh. Với các doanh nghiệp thường đầu tư du lịch trải nghiệm, có thể khai thác hoạt động mô phỏng lại đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương. Còn với HTX sẽ hỗ trợ du khách trực tiếp sinh hoạt, tham gia những hoạt động thực tiễn cùng với người dân địa phương. Chẳng hạn như cùng đan lát với người dân làng nghề Thủy Lập, làm vườn với người dân Mỹ Thạnh, trải nghiệm đánh bắt cá với người dân Ngư Mỹ Thạnh.

HTX tổ chức cho du khách tham quan làng Bích Họa, làng rau, làng nghề mây tre đan, các điểm di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Các hoạt động du lịch trải nghiệm được HTX tổ chức đáp ứng nhu cầu, du khách hiểu thêm về đời sống lao động, sinh hoạt và văn hóa của người dân Quảng Điền như gieo cấy lúa, gặt lúa, thu hoạch hoa màu, đạp trìa, đổ nò, bủa lưới, thả lừ, chèo thuyền, bơi thuyền súp, đạp xe đạp, câu cá, gói bánh, cưỡi trâu… Các thành viên hướng dẫn du khách tự chế biến ẩm thực với các món ăn đặc trưng của Huế nói chung và Quảng Lợi nói riêng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

CEO Central Pharmacy: “Chinh phục khách hàng khó tính từ những chi tiết nhỏ nhất”

Đại dịch COVID-19 không chỉ để lại những hậu quả nặng nề cho ngành y …