Vẫn phải đặt an toàn lên hàng đầu

Sau hơn 1 tháng khẩn trương, tập trung triển khai, Thông tư sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT đã được Bộ giao thông Vận tải ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn và bắt đầu có hiệu lực ngay từ ngày 22/3/2023. Điều này không chỉ giúp hàng triệu người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi cả về thời gian lẫn chi phí mà còn giúp giảm tải áp lực cho các đơn vị quản lý, đăng kiểm trong bối cảnh gặp khó về nhân lực do hàng loạt cán bộ, đăng kiểm viên vi phạm pháp luật, bị bắt giam, khởi tố.

Theo Thông tư sửa đổi, có 3 điểm chính được người dân hồ hởi đón nhận. Đó là, miễn đăng kiểm lần đầu đối xe mới; điều chỉnh chu kỳ kiểm định nhiều loại xe theo hướng kéo dài thời gian và đề xuất mở rộng đối tượng được đăng kiểm ô tô. Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe được giãn chu kỳ kiểm định sau khi dự thảo sửa đổi, bổ sung thông Thông tư 16 được ban hành là trên 3,073 triệu xe. Bên cạnh đó, với hàng trăm nghìn xe mới đăng ký mỗi năm (giai đoạn 2019 – 2021 bình quân 300 nghìn xe/năm) được miễn đăng kiểm định lần đầu thì con số người dân được hưởng lợi trong những năm tới là không hề nhỏ.

Thực ra, việc kiểm định xe là công việc hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn cho cả người điểu khiển và người tham gia giao thông. Từ nhà sản xuất đến các đơn vị sửa chữa, bảo trì và cơ quan quản lý Nhà nước đều tham gia vào quá trình này ở các mức độ và phương thức khác nhau. Nhà sản xuất xe không chỉ phải tuân theo các quy định, quy chuẩn của nhà nước, mà còn vì uy tín thương hiệu, trách niệm xã hội đối với người dùng. Chẳng thế mà chúng ta thường thấy các hãng sản xuất ô tô ra thông báo thu hồi để thay thế, sửa chữa các lỗi của xe, dù xe đã bán cho khách hàng và thu đủ tiền. Với các cơ quan quản lý Nhà nước cũng vậy. Cùng với các quy định về quy chuẩn chất lượng xe ô tô, việc kiểm định xe cơ giới là một trong những giải pháp để kiểm soát chất lượng xe khi lưu hành, đảm bảo an toàn cho xã hội.

Tuy nhiên, tùy theo điều kiện, tình hình cụ thể mà mỗi quốc gia có những quy định về quy chuẩn và kiểm định xe cơ giới khác nhau. Với Việt Nam, trước đây chiếc ô tô là một tài sản lớn và ít người có điều kiện sở hữu. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế khó khăn, ngành công nghiệp ô tô phát triển chậm nên chất lượng các phương tiện không cao. Ngay cả phụ tùng thay thế cũng khan hiếm nên nhiều xe lưu hành không đảm bảo an toàn. Vì vậy, việc siết chặt công tác kiểm định chất lượng xe cơ giới (trong đó có việc rút ngắn chu kỳ kiểm định) là điều cần thiết.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô, các trang thiết bị đảm bảo cho sự vận hành an toàn được tăng cường; các doanh nghiệp cũng có nhiều các biện pháp quản lý phương tiện… nên việc cho phép kéo dài chu kỳ kiểm định ô tô là phù hợp, nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố về an toàn cho phương tiện và người tham gia giao thông.

Ở một góc độ khác, vẫn có những lo ngại về vấn đề an toàn, chất lượng khí thải đối với ô tô khi kéo dài chu kỳ kiểm định, nhất là với các ô tô vận tải, xe khách. Bởi đây là các phương tiện có tần suất hoạt động lớn, cường độ cao nên hư hỏng, xuống cấp nhanh. Những băn khoăn đó không phải là không có cơ sở.

Vì vậy, khi Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân thì chính doanh nghiệp và người dân cũng phải có trách nhiệm tự kiểm tra, tự bảo dưỡng, thay thế kịp thời các thiết bị, phụ tùng không đảm bảo chất lượng để phương tiện vận hành an toàn. Các đơn vị quản lý bến xe, các chủ hàng, chủ mỏ… cũng cần chấp hành nghiêm quy định về tải trọng, số lượng khách trước khi xuất bến, rời mỏ. Đồng thời, các cơ quan chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện. Chỉ khi đồng bộ các giải pháp thì mới đảm bảo an toàn giao thông và người dân thực sự được hưởng lợi từ quy định mới này.

Hoàng Minh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …