Năm 2022, Công ty CP Dệt may Huế phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 133 triệu USD, ổn định việc làm cho người lao động
Chủ động & linh hoạt
Trải qua một năm đầy biến động khi làn sóng dịch lần thứ tư tại Việt Nam tấn công mạnh mẽ vào các khu vực tập trung đông người như khu công nghiệp, chợ, bến cảng và các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…, ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của các DN trên địa bàn.
Tại Công ty CP Dệt may Huế, mặc dù không ở tâm dịch nhưng vẫn chịu những tác động từ làn sóng dịch lần này khi chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu đứt gãy do các nhà cung cấp phía nam phải dừng hoạt động, thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu container và xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ Việt Nam sang các nước đã kiểm soát được dịch trong khu vực… Song, với sự linh hoạt, chủ động trong điều hành quản lý và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng dịch, DN tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho gần 5.000 lao động.
Theo đó, năm 2021, công ty đạt doanh thu 1.760 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với năm 2020, vượt 23% kế hoạch năm; KNXK 148 triệu USD, tăng 52% so với năm 2020, đạt 171% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt 72 tỷ đồng, đạt 280% kế hoạch năm, nộp ngân sách gần 40 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người lao động (NLĐ) đạt hơn 8,5 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 20% so với năm 2020.
Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế, ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, để nâng cao năng suất lao động, ổn định chất lượng sản phẩm, năm 2021, công ty đã hoàn thành dự án (DA) đầu tư bổ sung thiết bị sợi giai đoạn 2020 -2021 và tiếp tục thực hiện DA đầu tư chiều sâu thiết bị sợi, đồng thời hoàn thành thủ tục triển khai DA đầu tư chiều sâu thiết bị dệt nhuộm. Đối với thiết bị may, đầu tư bổ sung hệ thống máy cắt tự động và các thiết bị may chuyên dùng, góp phần giảm số lượng lao động thực hiện các công đoạn, tăng năng suất lao động và đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, đảm bảo việc làm cho NLĐ.
Cùng với dệt may, lĩnh vực xuất khẩu đồ gỗ cũng gặp không ít khó khăn khi chi phí vận chuyển tăng cao, thiếu vật tư nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Song, để duy trì sản xuất, các DN đã sản xuất đồ gỗ trên địa bàn tận dụng mọi thời cơ, biến thách thức thành cơ hội để đạt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Theo Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế, ông Lê Dương Huy, 2021 là năm cực kỳ khó khăn đối với lĩnh vực xuất khẩu đồ gỗ khi chi phí vận chuyển tăng từ 5- 7 lần, trong đó nhiều đơn hàng vừa tăng phí vận chuyển, vừa kéo dài thời gian dẫn đến chậm tiến độ giao hàng, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký. Mặt khác, do các nước ảnh hưởng dịch nên vật tư nguyên liệu thiếu hụt, nguồn lao động tại các địa phương liên tục nghỉ việc do thực hiện phong tỏa, cách ly. Song, với sự nỗ lực và linh động trong các đơn hàng, KNXK vẫn đạt kế hoạch đề ra, đạt 3 triệu USD. Hiện, nhiều đơn hàng năm 2022 đã ký kết.
Phát huy năng lực tăng thêm
Cuối năm 2021, Công ty Scavi Huế khởi công xây dựng khu nhà máy may tại xã Quảng Vinh (Quảng Điền). Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 4/2022, với tổng số lao động cần tuyển dụng là 8.400 người, nâng tổng số lao động tại Scavi Huế lên hơn 15.000 người. Đây là cơ hội để nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, KNXK của tỉnh cũng như tạo việc làm cho NLĐ trên địa bàn.
Đầu tháng 12/2021, Công ty CP Sợi Phú Bài đưa vào hoạt động Nhà máy Sợi 3 với quy mô 30.240 cọc sợi, tổng mức đầu tư 511 tỷ đồng, đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực sản xuất sợi. Trong đó, công suất thiết kế khoảng 500 tấn/tháng, mặt hàng mục tiêu là sợi 100% cotton chải kỹ và chải thô có chỉ số bình quân Ne 32 – 34 hướng tới các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và một số thị trường châu Âu.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, năng lực tăng thêm trong năm 2021 chủ yếu nhờ phát huy năng lực tăng thêm của các DA, như: DA Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam giai đoạn 1, Nhà máy sản xuất men frit, Nhà máy sản xuất trang phục bảo hộ SCAVI MED công suất 9,96 triệu SP/năm của Công ty Scavi Huế… Hiện, một số DA trọng điểm, như: sản xuất găng tay y tế của Công ty Kanglongda, DA may mặc của Công ty Scavi, Công ty CP Dệt may Phú Hòa An… đang triển khai xây dựng góp phần tăng năng lực ngành công nghiệp trong thời gian tới.
Tham gia vào chuỗi liên kết
Ông Nguyễn Văn Phong cho hay, năm 2022 dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song Công ty CP Dệt may Huế phấn đấu đạt doanh thu 1.880 tỷ đồng, KNXK đạt 133 triệu USD, lợi nhuận 80 tỷ đồng và nộp ngân sách 30 tỷ đồng. Để thực hiện được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, ngoài công tác phòng, chống dịch, công ty triển khai các DA đầu tư để hoàn thiện quy trình sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường, thực hiện công tác chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, tạo nên sự thay đổi về phương thức sản xuất, làm thay đổi sâu rộng chuỗi giá trị sản phẩm từ nghiên cứu – phát triển đến sản xuất, dịch vụ logistics đến dịch vụ khách hàng…, góp phần quản lý chi phí hiệu quả, tăng năng suất lao động và hiệu quả cao trong SXKD.
Theo Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh, xu thế hiện nay, các tập đoàn lớn trên thế giới đang chuyển đến sản xuất tại Việt Nam nhiều hơn, do vậy các DN cần tăng cường mối liên kết hợp tác với các tập đoàn phân phối, bán lẻ lớn trên thế giới nhằm ổn định khách hàng và từng bước tham gia vào các chuỗi liên kết của họ. Sự liên kết này còn nằm trong chuỗi liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu cùng hệ thống các nhà tiêu thụ sản phẩm.
Với mục tiêu đưa KNXK năm 2022 đạt 1.030 triệu USD, ngành công thương tăng cường phổ biến thông tin bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của các cán bộ quản lý Nhà nước, DN và người dân về các cam kết đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU… bảo đảm thông tin kịp thời, dễ tiếp cận, dễ hiểu. Đồng thời,đẩy mạnh công tác thu thập, phân tích, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới; thông tin tuyên truyền và hỗ trợ DN tận dụng những cam kết ưu đãi; cập nhật thông tin thị trường, sản phẩm; mở rộng các kênh bán hàng và phân phối…
Bài, ảnh: Thanh Hương