Đại lý bán hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Bông ở thôn 2, xã Thượng Quảng
Vươn lên làm giàu
Ngôi nhà chị Nguyễn Thị Bông, dân tộc Cơ Tu ở thôn 2, xã Thượng Quảng, cũng là đại lý kinh doanh tổng hợp to và rộng. Chị Hồ Thị Xong, Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Quảng giới thiệu, đại lý này được người dân ở đây gọi là “siêu thị” của xã, bởi có sẵn nhiều các mặt hàng. Ngoài ra, gia đình chị còn có 15ha cao su và keo tràm, cùng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Thu nhập của gia đình chị Bông ước tính gần 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương. Để được như vậy, vợ chồng chị Bông từ hai bàn tay trắng phải vượt qua không biết bao nhiêu vất vả, khó khăn.
Chị Bông kể, trước đây gia đình chị thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư xóa đói giảm nghèo của địa phương. Vừa được hỗ trợ vốn, vừa được hướng dẫn kỹ thuật làm nông nghiệp, qua nhiều lần tham gia các lớp tập huấn, người phụ nữ Cơ Tu chăm chỉ học tập rồi cần mẫn áp dụng vào thực tế bằng nguồn vốn vay ưu đãi. Đầu tiên là chăn nuôi sau đó mở rộng trồng rừng và buôn bán tạp hóa.
Không chỉ biết cách vươn lên làm giàu cho bản thân, chị Bông còn truyền cảm hứng vươn lên cho người dân qua mỗi lần họp thôn hay sinh hoạt các phong trào.
Những cặp vợ chồng trẻ, quyết chí phát triển kinh tế, chị Bông sẵn sàng cho mượn vốn không lãi, hơn 100 triệu đồng chị “trang trải” cho nhiều người dân có vốn làm ăn từ nhiều năm nay, không lấy lãi cũng chưa lấy gốc.
Vừa làm tốt vai trò Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 5, xã Thượng Long, chị Nguyễn Thị Thu còn được nhiều người dân trong xã biết đến là người làm kinh tế giỏi. Lúc nào cũng vậy, việc hội làm trước, việc nhà làm sau, song việc nào chị Thu cũng tròn vai. Chị Thu kể, cách đây mấy năm, khi nghe cây bưởi và cam cho hiệu quả kinh tế cao, chị đã mạnh dạn học hỏi để trở thành người đầu tiên của xã trồng thử nghiệm tại vườn 200 gốc bưởi da xanh, gần 100 gốc cam. Trời không phụ công người, đến nay, diện tích bưởi và cam đã cho thu hoạch. Ngoài ra, chị còn sở hữu 2ha cao su, 3ha keo tràm, 2 sào ruộng lúa nước…, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Chị Thu chia sẻ kinh nghiệm, muốn có thu nhập cao phải áp dụng những mô hình mới vào sản xuất để cho sản phẩm hàng hóa. Điều đó cho thấy những thay đổi lớn trong cách nghĩ, cách làm của người phụ nữ Cơ Tu 42 tuổi này.
Chị Hoàng Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Đông cho biết, chị Bông, chị Thu là hai trong nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện không ngại khó vươn lên phát triển kinh tế. Trong nhiệm kỳ, các cấp hội phụ nữ huyện Nam Đông đã hỗ trợ, giúp đỡ 129 hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giúp 23 chị thoát nghèo theo chuẩn đa chiều.
Tạo đà
Theo chị Hoàng Thị Loan, để tạo đà cho hội viên phát triển kinh tế, các cấp hội đã tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở kiến thức, phương pháp khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Hướng hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, đồng thời biết phát huy các đặc sản, nghề truyền thống địa phương. Kịp thời phát hiện những dự án, ý tưởng hay tham gia các cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Có 13 chị trên địa bàn huyện tham gia các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Tỉnh hội tổ chức, trong đó có 4 hồ sơ vào vòng chung kết, 1 chị đạt giải Nhì và 2 chị đạt giải khuyến khích.
Các cấp hội phụ nữ trong huyện cũng mạnh dạn thành lập các tổ liên kết, ký các hợp đồng tiêu thụ nông sản, đặc sản Nam Đông cho hội viên. Đồng thời, nhận ủy thác vốn từ các ngân hàng với tổng số dư nợ 99,4 tỷ đồng cho hơn 2.000 hộ vay để khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
Nhiệm kỳ 2021 – 2026, Hội LHPN huyện Nam Đông mạnh dạn đưa ra chỉ tiêu phấn đấu, hàng năm, mỗi cơ sở hội giúp ít nhất 3 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Trong nhiệm kỳ, thành lập ít nhất 1 mô hình chuỗi sản xuất, chế biến sản phẩm truyền thống, hữu cơ, an toàn, thành lập 1 mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ. Tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trong đó, tập trung khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng, định hình mô hình kinh doanh, từng bước xây dựng, phát triển thành doanh nghiệp. Vận động phụ nữ tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản đặc sản Nam Đông, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP.
Bài, ảnh: Tuấn Khoa