Gọi là chợ bởi đó là nơi mà diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ bằng tiền tệ hoặc hiện vật (hàng đổi hàng). Còn chợ phiên khác chợ thông thường ở chỗ chỉ mở bán vào những ngày đặc biệt cố định. Trong tâm thức người đời, chợ phiên gắn liền với vùng cao và được xem là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng cao. Ví như chợ phiên A Lưới, là nơi hội tụ của 6 dân tộc Pa Cô, Cơ Tu, Vân Kiều, Tà Ôi, Pa Hy và người Kinh sống dọc đại ngàn Trường Sơn.
Nhớ chừng 40 năm trước, cũng vào dịp ra Giêng này, tôi có chuyến thực tập và lần đầu được biết đến A Lưới. Vừa đặt chân tới thị trấn vùng cao đã nghe có bạn nhắc, sáng mai có chợ phiên, nhớ dậy sớm để đi chợ. Bạn còn bảo, có nhiều cái hay lắm, có bao điều cần khám phá. Vậy là cả đêm, vừa lạnh lại vừa quá háo hức nên không ngủ được. Trời mưa lâm thâm, lạnh buốt da, nhưng mới vừa tờ mờ sáng, cả bọn đã thức dậy, í ới rủ nhau đi bộ hàng mấy cây số, mỏi nhừ cả chân để tới với phiên chợ không phải hôm nào cũng có này.
Một cảm giác thật lạ khi trên chợ gặp những bà con dân tộc, mặc thổ cẩm, gùi vác trên vai với nào sắn, khoai, chuối… cùng những sản vật rừng, cùng túc tắc đi chợ. Họ đến chợ để bán những thứ này và mua về những mặt hàng thực phẩm, công nghệ phẩm cần dùng. Đến từ những ngả đường khác nhau, quanh co và dốc đèo, họ đầy vẻ bí ẩn đối với tôi, một gã trai quê ở vùng đồng bằng. Dạo ấy còn nghèo, chợ phiên nơi miền sơn cước chỉ có tranh – tre – nứa – lá. Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên là cách mua bán chân chất, không mặc cả giá mà như một mặc định sẵn có.
So với chợ phiên của 40 năm trước ở A Lưới trong ký ức của tôi, phiên chợ A Lưới sáng nay có quá nhiều khác lạ. Nó đến từ quy mô, sự sang trọng và cả cách tổ chức khoa học nữa. Chợ phiên mang tính lễ hội du lịch hơn với nhiều nghi lễ được tổ chức, có thêm nhiều gian hàng trưng bày các loại hàng hóa, nhiều hoạt động quảng diễn và có cả biểu diễn dân ca, dân vũ. Cũng may, vẫn còn đó những nét xưa của một chợ phiên vùng sơn cước, không chỉ ở những mặt hàng thổ cẩm, sản vật mua bán mang đậm “chất rừng” mà còn ở lời chào hỏi và cách trao đổi mua bán chất phác, thiệt thà khiến tôi như bất chợt bắt gặp lại cái cảm giác của năm nào.
Không lạ gì khi gần đây tại nhiều địa phương trong nước, các chợ phiên vùng cao trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Có thể kể đến như phiên chợ Mường Quạ (Nghệ An), phiên chợ Bắc Hà, Cán Cấu (Lào Cai), chợ phiên Hà Lâu (Quảng Ninh) hay rất nhiều phiên chợ khác. Những nét khác biệt về văn hóa, con người, đặc sản truyền thống, cách họp chợ đến những hoạt động văn hóa kèm theo khiến những phiên chợ ấy gợi sự tò mò, nhất là du khách bốn phương. Còn chưa thật sự rõ ràng nhưng vẫn có thể cảm nhận được điều đó ở phiên chợ vùng cao A Lưới hôm nay.
Có điều, khi mà chợ phiên năm nào chỉ là cảm hứng để tổ chức các phiên chợ du lịch và lễ hội thì ít nhiều vẫn để lại những cảm giác hẫng hụt cho những người như tôi muốn đi tìm lại một ký ức và những hoài niệm của chính mình một thời xa xưa. Nó như vận vào câu thơ của thi nhân Nguyễn Bính: “Hôm qua, em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” (Chân quê).
Đan Duy