Họa sĩ Thái Nguyên Bá người thầy đầu tiên

Bức tranh vẽ phong cảnh Huế của họa sĩ Thái Nguyên Bá

Tài hoa

Giới thiệu về tác phẩm của họa sĩ Thái Bá với tất cả trìu mến, TS. Thái Kim Lan, em gái họa sĩ Thái Bá cho hay, cuộc đời của họa sĩ Thái Bá là cuộc chơi của nghệ sĩ. Ông đã dành một đời cho nghệ thuật. Những gì liên quan đến nghệ thuật, ông đều thử qua.

Từ nhỏ, họa sĩ Thái Bá có năng khiếu về mỹ thuật. Ông có thể phác họa chân dung rất nhanh và vẽ mọi lúc, mọi nơi. Sau khi hoàn thành bậc trung học tại Trường Quốc Học Huế, năm 1955, Thái Bá thi đậu vào Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định – Sài Gòn, trở thành học trò của họa sĩ Lê Văn Đệ, một trong những cây cọ tiêu biểu cho xu hướng tân cổ điển tại miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.

Năm 1958, Thái Bá đoạt Huy chương Bạc trong cuộc thi tranh cổ động du lịch Việt Nam và giải nhì toàn khóa với đề tài công dung ngôn hạnh. Sau đó, ông nhận được học bổng du học tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris – Pháp vào năm 1960.

Bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, họa sĩ Thái Bá khám phá, tìm tòi với nhiều chất liệu: lụa, in trên vải, sơn dầu, khắc gỗ, sơn mài… Ông cũng có thể dùng nhiều kỹ thuật khác nhau để phác họa một tác phẩm. Khi ở Mỹ, họa sĩ Thái Bá còn có lò làm gốm. Về Huế, ông có xưởng mộc làm đồ nội thất. Tất cả bàn ghế tại Lan Viên Cố tích đều do ông thiết kế.

Nét Huế hiện diện trong nhiều tác phẩm của họa sĩ Thái Nguyên Bá

TS. Thái Kim Lan kể: “Thái Bá luôn cởi mở và thao thức với thế giới bên ngoài. Anh muốn thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, con người bằng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, khi thì khắc gỗ, khi thì dùng lụa, sơn mài… Đi nhiều nơi trên thế giới, đến đâu, Thái Bá cũng nán lại tiếp xúc và học cách người ta sử dụng chất liệu trong tác phẩm”.

Quê hương luôn hiện diện trong từng nét vẽ tài hoa của họa sĩ Thái Bá. Nhiều bức tranh ông vẽ về Huế với hình ảnh sông Hương, cầu Trường Tiền, lăng tẩm, đền đài, làng quê… phác họa một Huế cổ kính và trầm lặng. Màu sắc chủ đạo trong tranh Thái Bá là màu xanh. Đó là màu xanh của nước, của lá, của bầu trời hòa quyện lại thành một màu xanh rất đặc sắc của Thái Bá và người xem có thể cảm nhận sự reo vui trong tất cả bức họa về phong cảnh.

Năm 1969, họa sĩ Thái Bá được UNESCO bảo trợ sang Mỹ và vẽ tranh thiếu nhi cho Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF). Thời gian sống ở Mỹ, ông góp mặt trong những đặc san về Huế, như: Nhớ Huế, Phượng Vỹ, Cố Đô, Thừa Thiên Huế… bằng những bức minh họa đậm chất Huế.

Từ năm 1990, họa sĩ Thái Bá trở về Huế và đắm chìm trong hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian… Ông là người góp phần trong việc sưu tập đồ gốm để Huế có Bảo tàng Gốm cổ sông Hương như hiện nay. Năm 1992, họa sĩ Thái Bá vẽ tấm bản đồ “Việt Nam giang sơn gấm vóc” rất ấn tượng. Mỗi địa danh đều được ông minh họa bằng một “đặc sản” văn hóa đặc trưng của vùng đất.

Người thầy đầu tiên

Họa sĩ Tôn Thất Đào được xem là người thầy đầu tiên đưa họa sĩ Thái Bá đến với hội họa. Sinh thời, họa sĩ Tôn Thất Đào phát hiện năng khiếu hội họa ở Thái Bá và khuyến khích ông đi theo con đường này.

TS. Thái Kim Lan cho biết: “Họa sĩ Tôn Thất Đào là bác họ của tôi, kêu bà nội tôi bằng cô ruột nên rất thân với gia đình. Lúc tôi còn nhỏ, thường hay theo bà nội về thăm gia đình của bà. Gặp bác Đào lúc nào cũng thấy ngồi bên giá vẽ. Đối tượng ông vẽ đầu tiên chính là những người thân trong gia đình, là chị em gái của ông với những cung cách, sinh hoạt thường nhật. Vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, những mái tóc dài, tiếng dạ thưa, vẻ tiểu thư, đài các… tạo cho ông nhiều cảm hứng và có thể tìm thấy trong tác phẩm của ông”.

Lúc nhỏ, họa sĩ Thái Bá thường vẽ phác họa. Mỗi lần trong gia đình có tụ họp, Thái Bá lại lén phác họa chân dung từng người trong vài nét vẽ rất nhanh nhưng lại thể hiện được tính cách của mỗi người. Khi họa sĩ Tôn Thất Đào bắt gặp, ông nhìn thấy năng khiếu hội họa trong Thái Bá và khuyến khích anh đi chuyên sâu vào hội họa. Vì vậy, Thái Bá chọn học trường cao đẳng mỹ thuật.

“Họa sĩ Tôn Thất Đào thường lên thăm bà nội tôi. Mỗi lần tới, người đầu tiên bác hỏi là anh Bá, như đi tìm một người đệ tử. Bác rất thương anh tôi và luôn thăm hỏi, theo sát hành trình hội họa của anh”, TS. Thái Kim Lan nhớ lại.

Dù luôn muốn mình thoát khỏi sự hướng dẫn của người đi trước nhưng trong hội họa, Thái Bá chịu ảnh hưởng của họa sĩ Tôn Thất Đào. “Những đề tài Thái Bá vẽ có thể tìm thấy trong tác phẩm của họa sĩ Tôn Thất Đào, như sự nhạy cảm với tranh phong cảnh, vẻ đẹp của người phụ nữ Huế, cả sự sắc bén của nét vẽ, nhất là nghệ thuật sơn mài, lụa của Thái Bá chịu nhiều ảnh hưởng của họa sĩ Tôn Thất Đào”, TS. Thái Kim Lan nhận định.

Bài, ảnh: Minh Hiền

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …