Gió ngoài đầm như lùa hết màu nắng ban mai ươm vàng trên tóc chị. Giọng chị nghe reo vui như một cô gái mới lớn: “Em nhìn xem cổng nhà chị đẹp mê chưa. Ngày nào chị cũng chăm sóc những bạn hoa này. Nhiều khi chị không tin là mình lại có căn nhà trong mơ với chiếc cổng có giàn hoa giấy và luống hoa mười giờ trồng dọc theo hàng rào như này”.
Chị có vẻ đẹp duyên dáng và mạnh khỏe của người phụ nữ vùng đầm phá, đặc biệt là đôi mắt sáng và nụ cười tươi. Tôi như thấy tràn ra từ đôi má hồng hào của chị, giọng nói của chị một nguồn sinh lực trong lành, chân chất. Không có dấu vết mệt mỏi của buổi đi làm đầm sáng sớm nay, chị bảo đàn bà ở xóm này 3, 4 giờ sáng đã dậy cùng chồng đi làm nghề. Có cá, có tôm thì bán luôn ngoài đầm rồi về chăm sóc nhà cửa, nghỉ ngơi vui chơi đến hết ngày.
Nói chuyện nhà cửa là chuyện đổi đời của cả xóm vạn đò Miêu Nha quê chị. Cơn đại hồng thủy năm 1999 đã làm tan tác xóm chài. Nhà nước cấp đất cho bà con vạn đò lên bờ tái định cư, từ đó xóm chài của chị có cuộc sống mới. Riêng chị, mừng vui không nói nên lời. Chị đã giấu kín trong sâu thẳm lòng mình ước mơ từ thuở còn con gái là có một ngôi nhà cổng trồng giàn hoa giấy và sân nhà trồng hoa mười giờ đủ màu. “Ước mơ ấy, nếu nói ra thời còn sống lênh đênh trên thuyền thì bị cười, xấu hổ lắm em ạ, nên chị giấu kín sở thích hoa lá của mình. Bây giờ thì tha hồ trồng, tha hồ chăm sóc và sân nhà chị tràn đầy hoa, em thấy thích không?”.
Tôi mỉm cười gật đầu với câu hỏi của chị, lòng ngẩn ngơ khi ngắm nhìn khuôn mặt chị. Rõ ràng vẻ đẹp này không có mỹ phẩm nào tạo nên được. Ánh mắt chị tỏa rạng những tia sáng dịu dàng, ấm áp một niềm vui vừa trẻ thơ, vừa từng trải, làm cho người đối diện là tôi thấy mình như được tắm trong một nguồn suối mát lành, thuần thiên nhiên, thuần cuộc sống đời thường và bình an chi lạ.
Tôi hỏi chị còn ước mơ nào từ thời con gái nữa không? Chị đan hai bàn tay vào nhau như để giấu nỗi ngượng ngùng, rồi cười bẽn lẽn: “Chị cũng thích “mượt” áo dài nữa”. Ô trời, tôi không kìm được cảm xúc của mình. “Chị ơi, sao chị đáng yêu quá vậy! Sao chị dễ thương quá vậy!”. Chị cười “thả ga” trước câu cảm thán của tôi và sung sướng cho tôi xem những chiếc áo dài của chị. “Trước đây thích mặc áo dài cũng chịu em à. Cả ngày lênh đênh trên thuyền, đi mô mà may, có hội đoàn chi mô mà quần là áo lượt. Chừ thì các ngày lễ, chị cùng chị em trong xóm cũng tha thướt, lượt là đi dự lễ ngoài hội trường xã, rồi liên hoan, rồi trò chuyện, vui lắm!”
Một bàn trà được bày ra, chị í ới gọi các chị bạn trong xóm đến chơi. Chồng chị vui vẻ tự nguyện: “Để tui pha trà phục vụ mấy chị”. Tôi nhìn cách anh ấy bận rộn với “nhiệm vụ” của mình, rồi nhìn các chị mà lòng vui lây. Đàn bà vùng đầm phá cái duyên lặn vào trong nên càng nhìn lâu càng thấy đẹp, một vẻ đẹp mặn mà, chắc chắn, giòn giã và cũng đậm màu chịu thương chịu khó. Các chị vừa hào hứng bàn chuyện lễ sắp tới về hội trường xã mặc áo dài gì, liên hoan ở đâu, vừa đan xen chuyện chăm con học như thế nào, rồi khoe vòng vàng, dây chuyền, nhẫn mới. Tôi nghe cuộc sống cuộn chảy những điều bình thường mà vô cùng đáng yêu, thấy thật gần gũi với những bà chị mới quen này.
Rồi cũng đến lúc chia tay. Chị hẹn tôi lúc nào rảnh về chơi, sân nhà chị sẽ luôn có hoa. “Phụ nữ mình em á, bình yên là hạnh phúc. Mà chốn nào bình yên hơn mái nhà của mình, nên chị thích trồng hoa là vì vậy, chị thích cổng nhà có giàn hoa để từ đằng xa ai cũng có thể nhìn thấy một vùng trời bình yên” – thêm một lần nữa tôi ngạc nhiên trước chị – người phụ nữ miền đầm phá chân chất, đã có quan niệm về hạnh phúc, về gia đình giản đơn và sâu sắc như một triết gia.
“Cổng nhà có hoa” đó cũng là ngôi nhà mong ước của tất cả phụ nữ trên trái đất này, bởi như ai đó đã nói “Có yêu thương hoa kia mới nở”.
Xuân An