– Mẻ cuối, tao về.
Những ngày giáp tết, lúc nào gã cũng làm tới tối mịt mới được về tới nhà, gã tặc lưỡi lắc.
Đầu nghĩ đến cả mớ xe cát phải chở ngày mai rồi gục gặc. Gã thấy mọi người đang tất bật cùng nhau đi sắm tết, các căn nhà đã bắt đầu trang hoàng đủ thứ, gã lục túi, mà tết tươi gì, gã chẳng màng, cứ ngày sống qua ngày, còn khỏe là còn làm. Gã không muốn về nhà, tính ghé bà Hường cuối xóm làm chén rượu nhưng lại nghĩ tới đám bợm nhậu thấy gã thể nào cũng lôi chuyện gia đình gã ra mà bàn nên lại thôi. Gã lại lê bước về nhà. Căn nhà nhỏ của gã nằm ở cuối xóm, khi gã vừa đẩy khung cửa cổng tre chỉ nom bằng nửa người gã đã thấy một cái bóng loắt choắt đang ngồi yên lặng ngoài thềm bỗng nhảy phốc lên như một con chó nhỏ chạy ào về phía gã, miệng không ngớt:
– Ba về, ba về.
Như thường lệ, gã đẩy thằng nhóc ra không cho chạm vào mình. Thằng nhóc dường như cũng quá quen rồi chẳng lấy làm buồn mà cứ bám lấy bám để, thậm chí hít hà mùi mồ hôi đang bám trên người ba nó rồi cười khì khì. Cứ thế đu thốc cả lên bờ vai to bè của ba nó để gã cõng ra bàn ăn. Người phụ nữ từ dưới nhà đi lên có bộ mặt đượm buồn và khắc khổ, bưng lên cho gã một bát cơm nóng có sẵn canh và đồ ăn bên trong, gã nhận lấy không nói lời nào. Thằng Phi con gã lấy hai bàn tay bé xíu bấu vào cái tô vừa thổi phù phù vừa nói:
– Từ từ ba, con thổi cho bớt nóng đã.
Gã vừa tính cười thì nhìn thấy chị đang chăm chú nhìn nụ cười chực trào ra lại tắt ngúm.
Đêm, gã thường thức khuya, cành hoa mai trong sân dường như nở sớm, chưa chi đã bung nụ vàng chóe trong đêm, gã nhẩm đếm vẫn còn đôi ba nụ, dăm bữa nữa tết chắc cũng kịp bung xòe để chơi. Nhưng tết là phải vui, nhưng đã bao năm rồi nó đã không đến với gia đình gã?
Chuyện xảy ra cũng ngót chục năm rồi, đó cũng là vào một ngày giáp tết. Gã vốn là một người đàn ông cục mịch lại ít nói, gia đình mai mối thế nào lại lấy được chị nên gã nâng niu chị lắm, yêu thương vô bờ. Gã chạy xe ba gác thuê còn chị buôn bán nhỏ ở nhà, vợ chồng đùm bọc lẫn nhau. Thế rồi, đột nhiên chị trở bệnh nặng, tiền thuốc thang không đủ, bạn bè mối lái để gã đi làm ăn xa nhà, gã đành bấm bụng gửi chị ở quê còn mình lang bạt tứ xứ kiếm tiền mua thuốc cho chị. Suốt cả năm trời ở nơi phương xa, gã không dám về nhà chỉ dám viết thư để rồi cuối năm về một lần luôn. Năm đó, gã về sớm hơn dự kiến, chỉ còn ba hôm nữa tới tết, gã muốn dành cho chị một bất ngờ nên lén về, nào ngờ đón gã lại là chị và một đứa bé trên tay… Đó không phải con gã, chị thú nhận ngay đêm hôm đó, lúc chồng xa nhà, phút yếu lòng và cả gã nhân tình đã quất ngựa truy phong sau khi chị sinh. Gã không nói gì, lòng gã đau nhưng người đàn ông khi đau một là sẽ trả thù người phản bội mình, hai là sẽ trở nên câm nín coi người ấy như vô hình. Và gã, xem chị như không tồn tại.
Và đã mười năm trôi qua, thằng Phi giờ cũng đã mười tuổi, nó vẫn luôn nghĩ gã là ba vì gã không hề phủ nhận. Thực sự gã không tha thứ cho chị nhưng gã vẫn yêu chị, huống hồ mười năm qua, so với đòn roi hay những lời mắng chửi thì việc gã xem chị như vô hình trong căn nhà nhỏ đau đớn hơn nhiều. Những ngày đầu gã cũng tìm đến rượu, nhưng chén chú chén anh thì lại lời ra tiếng vào:
– Sao phải đi nuôi con người dưng?
Gã không nói gì, nhưng không qua lại với những người đó nữa. Xóm cũng điều tiếng chị.
Gã cấm tiệt chị ra khỏi nhà, lại mua thêm dăm con gà, rào thêm vườn để chị trồng trọt cho vui, nhưng chưa lần nào gã đứng ra bảo vệ chị. Xét cho cùng, sao gã phải hy sinh, ai thoát cho gã mác bị cắm sừng? Khổ là thằng Phi lại quấn gã, nó thương gã hết mực, dù gã chưa bao giờ xưng ba với nó, có lẽ trẻ con hay cảm nhận được sự ấm áp tận đáy lòng của người khác hơn là lời nói.
Thế nhưng năm nay khác, đột nhiên trở trời gã đổ bệnh. Thân xác to kềnh của gã bỗng không còn chút sức, nghĩ tới cả mớ xe cát còn phải kéo gã gượng dậy nhưng lại đổ ập mê man, miệng lắp bắp “Còn nhiều việc, còn nhiều xe cát…”. Khi gã mở mắt ra lần nữa, thì trời đã sập tối, gã thấy trên trán miếng khăn chườm và bát cơm to còn hơi nóng, lùa vội rồi chạy như bay đến bãi. Trước mặt gã là cảnh vợ con gã đang hì hục kéo xe cát của gã, người đẩy người kéo, hai bóng hình bé xíu dưới nắng chiều vừa tắt. Chủ vựa cát lại gần gã. “Tôi không cho vì nghĩ sức phụ nữ với con nít chả được bao nhiêu nhưng thằng bé khóc miết, nó sợ anh mất việc, còn cam đoan sẽ kéo đủ xe…”. Gã chợt thấy mắt mình cay cay. Khi gã vừa bước tới thì chị như chợt sắp xỉu còn thằng Phi cũng lăn quay ra. Gã đẩy mớ cuối cùng rồi đặt cả hai mẹ con lên ba gác chở về. Trên đường đi thằng Phi cứ nhộn nhạo làm gã sợ nó té: “Con quyết định rồi, sau này con sẽ làm ba gác như ba, vì con muốn thay ba làm cho ba không mệt nữa”. Lòng gã đột nhiên nghĩ về những điều gã giận. Gã giận gì nhỉ? Thậm chí gã đã quên. Chỉ là nó thành tính tình ăn sâu vào cách cư xử của gã.
Gã như chợt nhớ gì và dẫn hai người vào chợ tính mua ít đồ. Thấy chị người ta lại xì xào. Gã nhẹ nhàng kéo chị sát lại và cúi đầu xuống bế thằng Phi lên, nói rõ to: “Con xem, tranh thủ ngày ba được nghỉ, mua gì ngon về cả nhà cùng ăn”. Chị nhìn gã, thằng Phi cũng nhìn gã, mắt của cả hai người đều long lanh như chợt phát hiện điều gì mới mẻ lắm. Bỗng mặt gã có phần hơi đỏ ửng lên như ngày đầu khi gã gặp chị, gã nói nhỏ: “Tự nhiên tôi lại thèm nồi thịt kho tàu mình nấu. Nay mình nấu tôi ăn nghe”.
Lê Hứa Huyền Trân