Phải đạt ít nhất 95% kế hoạch

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội vào ngày hôm qua, 21/2.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị cho thấy, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đến ngày 31/1 là 541.857,52 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng giao. Có 8 bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch. 40/51 bộ, cơ quan Trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước là 93,42%. (74,9% là tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công Thủ tướng Chính phủ giao tại Thừa Thiên Huế tính đến cuối tháng 1/2023). Trước đó, Bộ Tài chính đưa ra con số 80,63% – là tỷ lệ giải ngân của cả nước khi kết thúc năm ngân sách 2022, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao – và đây cũng là con số kề cận với tỷ lệ được đưa ra tại hội nghị lần này.

Dù tỷ lệ giải ngân vẫn chưa thực sự đạt yêu cầu, điểm tích cực ghi nhận là năm 2022 vẫn là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103 nghìn tỷ đồng) so với năm 2021. Việc ban hành các nghị quyết, tổ chức các hội nghị và thành lập 6 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng và 2 bộ trưởng làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ ở lĩnh vực này. Đồng thời, tạo được những tác động mạnh không chỉ đến việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, cũng như khơi thông những nút thắt, điểm nghẽn cho cơ sở mà còn là chỗ dựa cho các ngành, địa phương trước những “hàng rào” của cơ chế chính sách. Đồng hành với việc kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công.

Có đến 39 nhóm vấn đề vướng mắc được tổng hợp từ báo cáo và các nhóm vấn đề tại hội nghị. Có những vấn đề về thể chế, cơ chế, chính sách chưa điều chỉnh phù hợp yêu cầu thực tiễn; chuyển đổi số trong đầu tư công còn hạn chế; một số vấn đề về giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng mạnh và nhiều nơi còn thiếu hụt nguồn cung; chi phí doanh nghiệp tăng và có sự chậm trễ trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Bên cạnh đó là những tồn tại, hạn chế về công tác xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án chưa có thứ tự ưu tiên dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm và dàn trải. Những vấn đề khác thuộc về năng lực nhà thầu, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả…

Để đưa việc giải ngân vốn đầu tư công về đích tốt hơn trong năm 2023, người đứng đầu Chính phủ đã đánh giá những tác động khách quan và chủ quan, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nhất là về yếu tố con người, vai trò của cấp ủy, chính quyền… để việc giải ngân nguồn vốn này chất lượng hơn trên tinh thần “phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư đã dành dụm”. Chia sẻ những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện; đề xuất giải pháp và nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế cũng là điều mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại hội nghị. Có thể thấy “sức ép” của việc giải ngân nguồn vốn này trong năm nay, ở con số trên 700 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 và còn phải giải ngân toàn bộ số vốn còn lại thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của năm 2022.

Minh Hà

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …