Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, công nghệ thông tin đã và đang đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia trên thế giới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, kiểm soát, điều hành trong các lĩnh vực từ quản lý nhà nước đến xã hội luôn là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức nói chung và Quốc hội nói riêng là một tất yếu.
Quốc hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tra cứu, kết nối dữ liệu và tổ chức họp trực tuyến ở nhiều phiên họp, hội nghị…
Ở Việt Nam, Quốc hội là một trong những cơ quan đầu tiên trong hệ thống chính trị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ các hoạt động với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống thông tin dữ liệu đầy đủ, tập trung; các dịch vụ đa dạng, phong phú; đảm bảo an toàn thông tin để phục vụ tốt các hoạt động của Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.
Liên quan đến việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động của Quốc hội, tại cuộc làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đầu Xuân Quý Mão năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng yêu cầu Ủy ban tăng cường tham gia vào xây dựng Quốc hội điện tử, chú trọng cơ sở dữ liệu và kết nối, tranh thủ sự hỗ trợ của một số nước vào việc xây dựng Quốc hội điện tử để triển khai có hiệu quả.
Đề cập về tiến độ tham gia vào quá trình xây dựng Quốc hội điện tử, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Ủy ban nhận thức rõ việc tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Quốc hội điện tử là nhiệm vụ quan trọng. Sau khi có quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc cũng như cơ chế hoạt động của Ban chỉ đạo Quốc hội điện tử, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã triển khai và đáp ứng các nội dung công việc mà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã giao.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, đến nay, Ủy ban đã hoàn thiện dự thảo Báo cáo chuyên đề về Quốc hội điện tử. Ngoài ra, Ủy ban cũng đang hoàn thiện, hiệu đính lại một tài liệu quan trọng về Báo cáo Quốc hội điện tử năm 2020 của Liên minh Nghị viện Thế giới để trình lãnh đạo Quốc hội xem xét.
Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được môi trường làm việc điện tử và hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung. Nhiều cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng đã được xây dựng phục vụ hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan của Quốc hội. Để đảm bảo cho các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động hiệu quả, Quốc hội đã xây dựng được một hạ tầng thông tin đảm bảo về kỹ thuật, an ninh và được kết nối với nhau bằng đường cáp quang chuyên dụng và kết nối với mạng Internet tốc độ cao phục vụ hơn 1.700 người dùng qua Internet.
Văn phòng Quốc hội đã đưa vào sử dụng một số ứng dụng để phục vụ đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận dạng tiếng nói thành văn bản tại từng tổ để thực hiện nhiệm vụ ghi biên bản các cuộc họp một cách nhanh chóng và chính xác tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Văn phòng Quốc hội cũng đã xây dựng, vận hành 02 hệ thống họp trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 63 tỉnh, thành phố. Phần mềm họp trực tuyến cài đặt trên nhiều loại thiết bị, nhiều hệ điều hành khác nhau như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay… để truyền âm thanh và hình ảnh hai chiều giữa nhiều địa điểm kết nối qua Internet.
Theoquochoi.vn