Đã có những tháng ngày như thế

Tình cảm anh em bao nhiêu năm vẫn vẹn toàn (Ảnh minh họa)

Đó là đồng đội cũ chiến đấu cùng ba tôi trên các mặt trận biên giới. Trong bữa cơm hôm đó, họ ngồi ôn lại kỷ niệm năm xưa, một thời vào sinh ra tử cùng nhau, một thời oanh liệt với những câu chuyện tưởng như đã cũ, nhưng khi nhắc lại luôn thấy rõ được cảm xúc tự hào, lâng lâng.

Trong số các chú, các bác đó có một người tên Nam. Chú theo con vào miền Nam làm ăn, sinh sống, xa cách với đồng đội ở quê nhà hơn ba mươi năm, kể từ khi bỏ lại tiếng súng trên chiến trường. Hôm nay, hai người đồng đội ấy được gặp lại nhau, họ dành cho nhau những cái ôm thật chặt, vỗ vai liên tục và đôi mắt ngấn lệ. Chú Nam nói, năm đó nếu không có anh và đồng đội giúp đỡ thì chắc cái trận sốt rét mấy ngày đó đã lấy mạng em rồi. Tình đồng đội ở chốn “rừng thiêng nước độc” ấy thật cao cả anh nhỉ. “Đời người thì vô thường, ký ức thì mênh mông”. Nói đến đây chú Nam ngừng lại, rưng rưng dòng nước mắt xúc động.

Trong ngày gặp lại, tôi thấy cứ vài phút, ba tôi ôm chầm lấy các chú, bắt tay rồi lại bắt tay…

Ba tôi, là một cán bộ đã về hưu. Trước đó, ông là một người lính không quân thuộc Sư đoàn 370 Không quân – Bộ Tư lệnh Không quân. Trong bữa ăn hôm ấy, ngồi nghe ba và các chú, các bác ngồi ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa thật thú vị và tự hào.

Ngày ấy, trung đội của ba gồm 28 đồng đội. Ba là trung đội phó được giao quản lý cán bộ, chiến sĩ, cùng chiến đấu ở mặt trận biên giới Nam Lào. Ba kể, trong chiến đấu, địch bắn pháo, tấn công lên chốt thì mình đánh bật xuống lại, giằng co nhau qua lại. Có thời điểm mình giữ thế trận trong vòng cả tháng. Đôi lúc phải rút lui, để củng cố vì lực lượng mỏng. Bom đạn, quân thù nó cứ dội theo sau lưng… Cứ sau mỗi trận đánh giằng co như thế, lại có những đồng đội ngã xuống.

Chú Ánh, một người đồng đội ở cùng tiểu đội với ba ngày đó. Những lúc rảnh rỗi, chú hay bắt chuyện cho quên đi nỗi nhớ gia đình. Có lần chú ấy hỏi ba sau này hết chiến tranh thì anh sẽ làm gì đầu tiên? Nghĩ mãi chưa ra, ba lại cười và hỏi lại chú Ánh thế còn cậu hết chiến tranh thì sẽ làm gì?

Chú Ánh nói: “Em sẽ về quê cưới vợ rồi sinh con đẻ cái, trồng thật nhiều rau xanh để ăn, nuôi một trang trại bò”. Nhưng ước mơ của người chiến sĩ trẻ năm ấy đã không thể thực hiện, vì chú mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Một mảnh bom đã trúng vào người chú ấy.

Rồi ba quay sang nhìn tôi nói, chiến tranh bom đạn nó rơi trên đầu, mấy chú lính trẻ hồi trước ai cũng dũng cảm lắm, anh nào cũng mang trong mình lòng yêu nước. Tôi nghe và thấu hiểu được nỗi khổ nhọc nhằn của chiến tranh.

Tôi nhìn và hỏi ba, thế những người đồng đội chiến trường năm ấy giờ ra sao? Ông thở dài và nói còn chừng này đây. Còn lại đã hy sinh hết rồi.

Các chú, các bác ngày ấy vào sinh ra tử với ba tôi giờ đã lên chức ông nội, ông ngoại cả rồi. Có người đã nghỉ hưu, có người chăn nuôi, trồng trọt, nhưng họ vẫn luôn mặc trên mình bộ quân phục. Bộ đồ đã đi vào lịch sử của các chú, các bác.

Tôi kể lại câu chuyện của ba tôi như một cách để giúp ông tưởng nhớ về những người đồng chí, đồng đội. Những kỷ niệm một thời chiến tranh oanh liệt, đã có những ngày sống như thế, những con người sống chết để bảo vệ đất nước, đem lại bình yên và hạnh phúc cho chúng ta có cuộc sống như ngày hôm nay.

Bài, ảnh: AN LƯƠNG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …