Sinh viên đi làm thêm: Không chỉ là công việc chân tay

Sinh viên làm thêm vừa có thêm thu nhập vừa được làm công việc yêu thích

Niềm vui trong công việc

Sau giờ tan học, Nguyễn Thị Ngọc Ngân, sinh viên năm 2 Trường đại học (ĐH) Nghệ thuật (ĐH Huế), lại trở về với lớp học vẽ chuẩn bị cho suất dạy vào buổi tối. Hai năm trước, Ngọc Ngân xuất sắc đạt danh hiệu thủ khoa Trường ĐH Nghệ thuật và được nhận làm trợ giảng tại một lớp vẽ tại Huế. Cô gái trẻ bồi hồi: “Mình cảm thấy may mắn khi được làm công việc như hiện tại. Không giống như công việc phục vụ cà phê hay quán ăn với ca làm lên đến 5-6 tiếng và phải làm việc tất cả các ngày trong tuần, công việc dạy học của mình chỉ kéo dài 3 tiếng một buổi và có thể linh động xếp ca. Vì vậy, mình có thể dễ dàng sắp xếp lịch học và dành nhiều thời gian hơn cho bản thân. Mình xem công việc như một niềm vui, vì hằng ngày mình được tiếp xúc và trò chuyện với rất nhiều bạn học sinh có cùng chung sở thích và đam mê, được truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm mình có cho các em cũng là cách mình trau dồi thêm khả năng của bản thân”.

Cũng giống như Ngọc Ngân, Phạm Thị Thu Hằng, sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cũng tìm cho mình công việc yêu thích là content writer (sáng tạo nội dung) cho một quán cà phê tại Huế. Vốn yêu thích viết lách và lợi thế là khả năng chụp, chỉnh sửa ảnh, Thu Hằng dễ dàng thích nghi với vị trí sáng tạo nội dung, đăng bài và quản lý fanpage cho quán cà phê. “Công việc của mình rất linh động thời gian, thậm chí là có thể làm việc tại nhà. Mình thật sự rất vui khi được làm công việc yêu thích. Được nhìn lại những bài viết mình đăng, ngắm nhìn những bức ảnh mình chụp được mọi người yêu thích và ủng hộ, mình càng có động lực hơn trong công việc. Công việc này cũng giúp mình tư duy và sáng tạo, trau dồi và hoàn thiện thêm các kỹ năng cần thiết cho bản thân”, Thu Hằng chia sẻ.

Nhiều bạn sinh viên có cơ hội trau dồi kiến thức, kỹ năng thông qua những công việc làm thêm

Cân bằng việc học và làm

Bên cạnh việc kiếm thêm thu nhập, hoạt động làm thêm là cơ hội để sinh viên tự học được cách quản lý bản thân, thời gian và công việc của mình. Vừa phải học, vừa phải làm thêm không phải là chuyện đơn giản. Để có thể duy trì điểm số trên lớp, đồng thời đạt được hiệu quả công việc, bản thân sinh viên phải tự tìm cách sắp xếp thời gian của mình, phân bổ cân bằng giữa hai bên. Phương pháp lập thời gian biểu vào đầu tuần, đầu tháng có lẽ là phương pháp hiệu quả nhất được nhiều bạn sinh viên áp dụng. “Để cân bằng chuyện học và làm, mỗi tuần mình đều lập thời gian biểu ghi chép những công việc mình cần làm, khung giờ ra sao theo mức độ ưu tiên. Mình tự nhắc nhở và đưa ra mục đích phải hoàn thành công việc đúng thời hạn, để không bị trì hoãn và ảnh hưởng đến các công việc khác”, bạn Đoàn Võ Quỳnh Châu, sinh viên Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho biết.

Để vừa hoàn thành công việc làm thêm, vừa đảm bảo việc học không sa sút thì áp lực là điều không thể tránh khỏi. Chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua những áp lực trong học tập và làm việc, Ngọc Ngân cho biết, cô nàng thường cố gắng giải quyết bài tập trong tuần, cũng như kết nối thường xuyên với bạn bè trong lớp để trao đổi về bài học. “Mặc dù may mắn tìm được công việc đúng sở trường với mức lương khá cao, nhưng có nhiều lúc bản thân mình vẫn cảm thấy mệt mỏi, muốn từ bỏ công việc để tập trung cho việc học tập. Những lúc như vậy, mình tự động viên bản thân và suy nghĩ đến những điểm tích cực mà công việc mang lại. Mình có thể mua được những món đồ mình thích mà không phải xin tiền ba mẹ. Đi làm thêm cũng là cách tuyệt vời để học các kỹ năng, làm đẹp cho CV (từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Curriculum Vitae”, có nghĩa đầy đủ là Sơ yếu lý lịch) của mình sau này”, Ngọc Ngân bộc bạch.

Theo ThS. Mai Ngọc Châu, Bí thư Liên chi Đoàn Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, các bạn sinh viên không nên quá sa đà, chỉ tập trung vào việc đi làm mà lơ là việc học, ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập. Cô Châu cho rằng, việc học tập vẫn là việc quan trọng nhất và nên là ưu tiên hàng đầu: “Có nhiều bạn sinh viên dành thời gian để kiếm những công việc làm thêm. Điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn và buộc sinh viên lựa chọn một trong hai hoặc phải cố gắng cân bằng. Thế nhưng, đây cũng là cơ hội cho các em trau dồi kiến thức và kỹ năng cũng như kinh nghiệm sống. Vượt qua được những khó khăn và biết cân bằng giữa học và làm, các em sẽ tự ngộ ra rất nhiều điều và rút ra rất nhiều bài học cần thiết cho hiện tại và tương lai sau này”.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …