Mưu sinh ngày tết

Làm vệ sinh cho các công sở

Hằng năm, vào những ngày giáp tết, chị Nguyễn Hồng Bé, 50 tuổi, ở phường Thủy Xuân, TP. Huế lại tất tả tìm việc làm để có thêm nguồn thu nhập lo cho “3 ngày tết”.

Nghề nghiệp không ổn định, một mình chị nuôi 2 con học đại học nên cuộc sống thiếu thốn. Cuối năm, có biết bao thứ phải lo, ngoài việc nhận sửa áo quần cũ hằng ngày, khoảng giữa tháng chạp, chị may vá vào ban đêm, còn ban ngày tranh thủ tìm việc làm thêm để có tiền trang trải.

Qua lời giới thiệu của khách đến sửa áo quần, chị Bé đi làm vệ sinh, dọn vén, lau chùi nhà cửa cho những gia đình có yêu cầu. Chị kể: “Bắt đầu đạp xe đi từ 7 giờ sáng, có lúc làm đến 6 giờ chiều mới về. Nhà nào rộng và nhiều tầng thì làm 3 đến 4 ngày, nhà nào nhỏ thì chỉ làm trong 1 ngày.

Công việc của chị chủ yếu là lau chùi các cửa gỗ, cửa kính; quét mạng nhện, cạo các vết bẩn ở tường nhà hoặc cổng, hàng rào… Khi làm thì không biết mệt, nhưng đêm về rã rời hai cánh tay”.

Đội mưa mưu sinh dịp tết

Công việc nặng hay nhẹ, làm ít hay nhiều… còn phụ thuộc vào chủ nhà. Có những gia chủ cẩn thận, khó tính thì họ yêu cầu khắt khe, và cũng tính toán chi li về giá cả. Theo chị Bé, trung bình mỗi ngày làm vệ sinh nhà cửa chị được trả từ 300- 400 ngàn đồng.

Chị Bé chia sẻ: “Đến làm cho nhà người ta, mình phải trung thực. Có lần, khi dọn phòng ngủ, chị phát hiện có 2 tờ 500 ngàn đồng rơi ở dưới chân giường; chị nhặt và mang gửi lại cho cô chủ nhà”. Có lẽ, nhờ sự siêng năng, thật thà nên chị Bé được nhiều gia đình yêu thương, tin tưởng. Vì thế, vào dịp cuối năm, chị được gia đình trước giới thiệu cho gia đình sau nên công việc vẫn đều đặn. Nhờ vậy, chị Bé có thêm thu nhập để lo cho gia đình có cái tết an vui.

Chạy chợ ngày cận tết

Dì Trương Thị Hồng, 60 tuổi ở phường An Cựu tất bật mưu sinh ở chợ An Cựu vào những ngày giáp tết. Mặc chiếc áo mưa, đội nón dưới tiết trời mưa lạnh, dì Hồng mời khách mua hoa và rau. Thường ngày, dì Hồng ở nhà nội trợ, những ngày gần tết, do nhu cầu chi tiêu tốn kém, dì bươn chải thêm công việc buôn bán hàng rong để lo cái tết cho gia đình.

Dì kể: “Chồng thì mất sức lao động; con cái công việc cũng không ổn định, đều có gia đình riêng nên dì cố gắng kiếm thêm dăm ba đồng. 4 giờ sáng, dì qua chợ đầu mối ở Bãi Dâu để mua hoa, mua rau về chợ An Cựu bán. Chủ yếu dì gánh bán dạo, chứ không để một chỗ, vì đội trật tự đô thị của phường thường xuyên đi dẹp những người buôn bán lấn chiếm vỉa hè”. Thời tiết mưa lạnh, người bán quá đông, nên có nhiều ngày ế ẩm. Ngày nào bán đắt thì kiếm được 120 ngàn đồng tiền lãi. “Ít ỏi là vậy, nhưng nếu không đi bán thì làm sao có thêm dăm ba đồng lo trang trải tết” – dì Hồng tâm sự.

Không chỉ ở thành phố, những người lao động nghèo ở làng quê cũng chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm việc làm những ngày giáp tết.

Làm mứt gừng phục vụ khách ngày tết

Chị Trần Thanh, 51 tuổi làm nghề nông ở Phong Điền năm nào cũng đến lò làm mứt gừng để giúp việc. Gác lại công việc nhà nông, vào đầu tháng 11 âm lịch là chị Thanh bắt đầu đầu đến làm tại lò chế biến mứt gừng Tâm Tuấn ở Hải Chánh. Chị kể: “Nhà làm 5 sào ruộng, trừ tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu… chẳng còn là mấy, chủ yếu lấy công làm lãi. Hai năm vừa rồi dịch bệnh, bão lũ thường xuyên, làm ăn rất khó khăn. Cả 2 con đều đang là sinh viên nên cuộc sống rất chật vật. Cuối năm mình phải đi làm thuê cho lò gừng để cho các con có cái tết ấm áp”.

Đều đặn mỗi ngày, chị Thanh có mặt ở chỗ làm từ 7 giờ sáng và đến 6 giờ tối mới về. Công việc của chị là rửa gừng, cạo vỏ và đóng gói. Làm quần quật cả ngày, tối về mệt nhoài nhưng cũng phải cố gắng, bởi không đến làm ở lò mứt thì biết làm gì để có thêm nguồn thu nhập sắm sửa tết. Chị Thanh cho biết, mỗi ngày trung bình làm hơn 10 tiếng đồng hồ, được chủ lò mứt trả cho 180 ngàn đồng. Làm từ đầu tháng chạp đến ngày 27 tết là nghỉ, cộng lại cũng được gần 5 triệu đồng để lo tết”.

Công việc những ngày áp tết của chị Hồng Bé

Để có cái tết ấm cúng, người lao động nghèo đã ngược xuôi tìm kiếm việc làm thêm để lo trang trải. Mỗi người một công việc, muôn nẻo nhọc nhằn, vất vả. Những giọt mồ hôi, những bước chân vội vã mưu sinh bằng chính công sức của mình cho một cái tết an vui của người lao động nghèo thật đáng trân trọng.

Bài, ảnh: QUỐC HỮU

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …