Sinh viên đi làm thêm ngoài giờ học. Ảnh: MC
Tăng ca dịp cận tết
Đã làm nhân viên phục vụ tại shop áo quần Rễ Cây được 2 năm, cô sinh viên Phạm Thị Thu Hằng (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế) đã quen với sự tấp nập của cửa hàng mỗi dịp tết đến xuân về. Vừa kiểm tra lại danh mục các mặt hàng trong shop, cô vừa chia sẻ: “Cứ mỗi độ tết đến, shop của mình lại bận hơn. Không chỉ là việc tư vấn cho khách mà còn phải sắp xếp lại những mặt hàng cần sale, nhập và kiểm tra hàng mới…”.
Dịp tết, số lượng khách đến mua hàng đông gấp hai, gấp ba lần bình thường. Thu Hằng vì thế cũng phải tăng ca vì quán không tuyển thêm nhân viên. “Cận tết là lúc hàng về nhiều và người mua hàng cũng đông nên công việc của mình khá bận rộn. Thời điểm này cũng trùng với lịch thi học kỳ tại trường, nên có ngày mình “chạy sô” 3 ca vừa học, vừa thi, vừa làm, mệt bở hơi tai”, Thu Hằng cho biết. Tuy vậy, Hằng vẫn thấy vui vì mình có thể kiếm thêm thu nhập để mua những gì mình thích và trau dồi kỹ năng giao tiếp.
Đã 2 năm nay, Nguyễn Hữu Đức, sinh viên Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, đã quen với việc kiếm một công việc thời vụ vào dịp cận tết. Đức chia sẻ, vào những dịp này, các quán cà phê, shop giày dép, áo quần thường cần nhu cầu nhân lực lớn để phục vụ khách hàng. Vì thế, quán sẽ tuyển nhân viên làm dịp tết với mức đãi ngộ khá hấp dẫn.
“Hiện tại, mình đang làm nhân viên phục vụ cho một quán cà phê ở gần trường với mức thù lao 17.000 đồng/giờ. Như vậy, trong thời gian cận tết, mình có thể kiếm được từ 1.700.000 – 2.000.00 đồng, tùy vào lịch đăng ký ca làm”, Đức chia sẻ. Đức cũng tâm sự, đi làm những ngày sát tết khá mệt vì rất nhiều việc. Trung bình mỗi tuần Đức đăng ký làm 5 buổi, nhưng do cận tết, chỗ làm có nhiều bạn sinh viên đang kẹt lịch thi, lắm khi thiếu nhân lực nên Đức phải đi làm 7 buổi/tuần. Thời gian làm có khi kéo dài đến cả 10 – 12 tiếng đồng hồ, nhưng cứ nghĩ đến thưởng tết là cậu lại quyết tâm và cố gắng hơn. Với khoản tiền lương nhận được, Đức sẽ dành để mua sắm đồ về cho bố mẹ và em gái.
Trong khi nhiều sinh viên khá yên tâm với công việc làm thêm tết, với mức lương, thưởng cao và gặp chủ tốt bụng thì một số sinh viên gặp phải trường hợp “cười ra nước mắt” vì bị quỵt tiền công.
Trần Thị Thu, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho hay, năm ngoái thấy mấy bạn cùng dãy trọ đi làm thêm ngày tết có lương cao nên Thu cũng kiếm cho mình một công việc thời vụ. Cô kể rằng, được nhận vào làm ở một tiệm giày, chủ hứa trả 100.000 đồng/ngày, thế nhưng đến lúc về tết thì chủ “lật kèo” trả 50.000 đồng/ngày. “Không có hợp đồng nên đành chịu, nuốt nước mắt mà nhận tiền còn hơn trắng tay không có gì hết”, Thu ấm ức nhớ lại.
Băn khoăn đón tết xa nhà
Trong lúc nhiều bạn tranh thủ làm thêm để kiếm tiền mua vé xe, chút quà xuân cho gia đình thì không ít trường hợp sinh viên quyết định ở lại thành phố đón tết để làm thêm, bởi dịp này nhu cầu việc làm nhiều nhưng ít người làm việc, là cơ hội cho các bạn kiếm thêm một khoản tiền trang trải nhiều khoản phải chi cho học kỳ sau.
Hai cái tết rồi, Bùi Văn Thế, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế không về quê ăn tết mà quyết định ở lại thành phố kiếm việc làm thêm, bởi lương tết nhận được gấp ba lần thường ngày. Thế kể, tết năm ngoái cậu xin được chân giữ xe cho nhà hàng, nhờ khoản tiền kiếm được trong mấy ngày tết nên cậu tích góp đủ đóng học phí. Lần đầu tiên đón tết xa nhà, đi làm về đến trọ vắng tanh, buồn đến mức ngồi khóc một mình.
“Dịp tết sinh viên về quê nhiều, các cửa hàng lại cần người nên đây là cơ hội mình kiếm việc làm thêm lương cao. Làm khoảng 2-3 tuần thời vụ tết, mình cũng có ít tiền đóng học phí rồi. Năm ngoái ở thành phố buồn lắm, nên năm nay rất mong về nhà với gia đình, nhưng ngoài tiền học còn phải có thêm tiền sắm chiếc máy tính xách tay mới nên đành ở lại thêm một năm”, Thế bộc bạch.
ĐĂNG TRÌNH