Bánh tét làng Chuồn “chinh phục” thực khách phương Nam

Những đòn bánh tét của người dân làng Chuồn được gói theo yêu cầu của thực khách phương xa

Những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cận kề cũng là lúc ngôi nhà của anh Hồ Đức Anh (xóm 17, làng An Truyền hay còn được gọi là làng Chuồn, xã Phú An, huyện Phú Vang) tất bật với việc làm bánh, kịp đáp ứng đơn hàng từ TP. Hồ Chí Minh.

Làng Chuồn mấy trăm năm qua nổi danh xứ Huế với truyền thống làm bánh tét. Nhưng để đưa bánh tét vào phương Nam khiến thực khách nơi đó mê mẩn là chuyện không hề đơn giản.

“Người ta biết đến danh tiếng của bánh tét làng Chuồn là một chuyện, nhưng để đáp ứng được hương vị đó cho khách thập phương là chuyện không hề đơn giản”, anh Đức Anh chia sẻ và cho biết gia đình đã có trên 20 năm làm nghề gói bánh tét, bánh chưng để phục vụ khách mỗi khi tết đến, xuân về.

Những năm trước, gia đình và người thân anh được chủ lò người làng Chuồn sống ở TP. Hồ Chí Minh mua vé máy bay cho gần cả chục người bay vào để gói bánh, đến chiều 30 Tết lên máy bay về lại quê.

Riêng năm trước, do ảnh hưởng dịch nên không thể di chuyển, cả gia đình quyết định gói tại Huế theo hợp đồng của khách rồi vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Và năm nay cũng thế.

“Mọi nguyên liệu làm bánh điều ở Huế, riêng hương vị chúng tôi phải làm theo yêu cầu của người trong đó để hợp khẩu vị của người ăn”, anh Đức Anh kể.

Theo anh Đức Anh, người ngoài mình thường anh bánh kèm dưa món, nhưng người trong Nam thì không. Vì thế công đoạn nêm gia vị cho nếp, nhụy phải làm sao cho thấm tháp, mặn mà hơn. Phần nhụy cũng phải đáp ứng vừa đủ, được cân đủ lạng để hài hòa với phần nếp. “Riêng thịt heo là heo ba chỉ, do nhà nuôi trước đó 6 tháng để mổ lấy thịt, làm bánh”, anh Đức Anh kể.

Bánh được gói phải giữ được chất truyền thống. Bánh tét gói bằng lá chuối sứ, bánh chưng gói bằng lá dong, tất cả được cột bằng lạt giang. Sau một đêm nấu, bánh được gia chủ vớt ra và cho ngâm ngội bằng nước lạnh, để khô ráo và công đoạn cuối cùng là hút chân không.

Trước đó, hơn chục người thân trong gia đình anh Đức Anh đã phải chuẩn bị rất nhiều khâu liên quan từ việc lau xếp lá, vút nếp, làm nhụy, thức đêm canh lửa…

Vừa buộc chặt những đòn bánh tét, ông Hồ Văn Sĩ (chú anh Đức Anh) – người trên 60 tuổi nhưng có hơn 40 năm gói bánh tét không khỏi tự hào. Ông kể, hơn chục năm qua cứ đến tết là được người ta mua vé bay vô TP. Hồ Chí Minh để gói bánh, đến ngày 30 Tết “ôm theo cục tiền” khăn gói lên máy bay về lại Huế.

“Ở trong kia có cả ngàn loại bánh nhưng người ta vẫn mê bánh làng Chuồn. Lạ rứa! Dù ngồi gói ở trong kia hay gói ngoài mình rồi chuyển vô cũng phải chỉnh chu. Phải làm sao cho đòn bánh không chỉ ngon mà đẹp. Đó là thương hiệu của mình mà”, ông Sĩ tâm sự.

Theo chuẩn riêng, một đòn bánh tét sau khi ra lò, được hút chân không nặng giao động từ 1,6 – 1,8kg, bánh chưng 1,3 – 1,5kg. Giá giao động từ 150.000 – 170.000 đồng/đòn bánh tét, bánh chưng.

Riêng Tết năm nay, anh Đức Anh cho biết, nhận gói 1.000 đòn bánh tét lẫn bánh chưng. Mọi việc bắt đầu từ ngày 16 tháng Chạp. “Đơn hàng cuối cùng được đưa lên xe khách chuyển đi là 27 tháng Chạp”, anh Đức Anh nói.

Những hình ảnh được Thừa Thiên Huế Online ghi lại:

Theo yêu cầu từ khách, bánh tét làng Chuồn về hình thức vẫn giữ nét truyền thống nhưng phần gia vị ít nhiều thay đổi, đáp ứng nhu cầu của người ăn

Để cho ra một đòn bánh tét phải mất rất nhiều công đoạn, trong đó việc chọn, lau và xếp lá là việc cần sự tỉ mỉ

Nhụy cho đòn bánh tét cũng phải được làm cân đối, hài hòa với lượng nếp

Để gói được 1.000 đòn bánh tét, bánh chưng, anh Đức Anh đã huy động hơn chục người thân, làm liên tục từ 16 đến 27 tháng Chạp

Nhụy bánh được đặt theo yêu cầu từ khách, để khi thành phẩm người ăn sẽ cảm nhận được vị ngon theo cách của mình

Mỗi đòn bánh được buộc 8 sợi lạt, tạo nên sự cân đối, đẹp mắt

Bánh tét được gói bằng lá chuối sứ, riêng bánh chưng được gói bằng lá dong và có khuôn sẵn

Bánh được nấu từ trưa hôm trước đến sáng hôm sau, được làm sạch trước khi vớt

Cả bánh chưng lẫn bánh tét sau khi vớt ra khỏi lò nấu sẽ được ngâm với nước lạnh

Bánh được ép chân không. Với những đòn bánh như thế này có thời gian sử dụng là hơn 1 tháng

Bánh tét, bánh chưng thành phẩm được đóng thùng, vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để trả đơn cho khách hàng

PHAN THÀNH (thực hiện)

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …