Bản làng rộn vang tiếng hát mừng xuân

Tiết mục đốt lửa trại được luyện tập để mừng xuân mới

Ngay từ khi mới đặt chân đến trung tâm xã Trung Sơn, chúng tôi đã có một ấn tượng thật khó quên. Đó là không khí rất vui nhộn của buổi luyện tập văn nghệ mừng xuân mới của Câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ dân gian, hiện đại và thể dục thể thao thực hiện; những điệu múa rộn ràng, tươi vui, những nụ cười rạng rỡ của các chàng trai, cô gái; họ thướt tha trong trang phục truyền thống của người Pa Cô. Tiếng khèn, tiếng tù và, tiếng trống, tiếng chiêng, hòa quện, đối đáp cùng những làn điệu dân ca Ca lơi, Târ a, Siêng, Cha chấp… làm đắm say lòng người. Dù đã biết, xã Trung Sơn là đơn vị rất tiêu biểu trong các phong trào văn hóa văn nghệ, nhất là việc giữ gìn và lưu truyền văn hóa truyền thống, nhưng không khí tươi vui, hòa quyện, âm vang của núi rừng đã thực sự cuốn hút chúng tôi.

“Dù CLB mới được thành lập và đi vào hoạt động chưa được 1 năm, bằng chính tinh thần nhiệt huyết, sự cố gắng học hỏi, say mê luyện tập của hơn 20 thành viên đã thực hiện tốt mục tiêu bảo tồn và không ngừng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhất là đối với thế hệ trẻ; ngày càng có ảnh hưởng tích cực trong xã hội và cộng đồng người Pa Cô. Nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ dân gian, hiện đại đã tham gia đạt chất lượng cao tại các chương trình lễ hội lớn như: Festival Huế 2022, Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc miền núi của tỉnh, các chương trình trong các hội nghị ở cấp huyện, cấp xã… đều đã để lại những kết quả tốt đẹp” – cô Hồ Thị Lêu, Chủ nhiệm CLB chia sẻ.

Được cô Linh Hương, Phó Chủ nhiệm CLB giới thiệu, ngay trong chương trình luyện tập văn nghệ mừng Xuân Quý Mão, chúng tôi gặp em Hồ Thanh Minh 11 tuổi, thôn A Điêng – Lê Triêng. Em được xem là một trong những nghệ nhân nhí, khi được gióng lên những hồi chiêng trầm bổng mang nặng hồn quê hương, nét mặt tươi vui phấn khởi em khoe với chúng tôi rằng:

“Cái chiêng này đã gắn bó với cháu mấy năm rồi. Cứ mỗi khi luyện tập cùng CLB, cháu luôn được các thầy cô giáo giao cho đánh chiêng. Cháu được Nghệ nhân Hồ Văn Hạnh truyền dạy rằng: Đánh được chiêng phải có tâm hồn, có kỹ thuật, có kinh nghiệm, thuộc nhiều bài để diễn và dẫn dắt cả dàn nhạc cụ hòa tấu nhịp nhàng, theo từng giai điệu. Người chơi vừa kết hợp kỹ thuật để tạo âm cứng, khỏe và âm thanh mềm dịu. Cháu rất thích tiếng chiêng và luôn cố gắng học tập, tích cực luyện tập để giữ gìn nhạc cụ truyền thồng của dân tộc mình…”.

Ông Lê Văn Nghiếu, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết: Hoạt động văn hóa văn nghệ là một món ăn tinh thần không thể thiếu được của Nhân dân xã nhà. Dù đang gặp phải khó khăn trong những ngày đầu hoạt động, nhưng CLB văn hóa, văn nghệ của xã đã có những đóng góp tích cực để bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Bên cạnh đó, CLB đã tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thông qua các tiết mục văn hóa, văn nghệ của CLB được người dân rất yêu thích. Hoạt động văn hóa, văn nghệ thực sự đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần, khơi dậy tiềm năng nghệ thuật trong quần chúng nhân dân, các bản làng trong xã rộn vui hơn nhất là mỗi khi tết đến xuân về”.

Chia Trung Sơn khi màn đêm đã buông xuống, dưới ánh lửa bập bùng và những cái bắt tay nồng ấm, đã xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông. Lòng chúng tôi lại dâng lên niềm vui rạo rực về một mùa xuân ấm áp đang về…

Bài, ảnh: Xuân Bính

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …