Siết công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trong năm 2023

Công tác thanh kiểm tra được tiến hành thường xuyên. Ảnh:TTXVN

Theo Kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023 của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) vừa công bố, việc triển khai các cuộc hậu kiểm sẽ được triển khai dưới các hình thức kiểm tra liên ngành từ tuyến Trung ương đến địa phương; hậu kiểm trong các Bộ ngành như: Ngành y tế, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành Công thương.

Theo đó, trọng tâm các hoạt động hậu kiểm gồm: Hậu kiểm bảo đảm chất lượng thực phẩm sẽ tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu như: Nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm; chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; tiếp tục kiểm soát việc sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi; kiểm soát thực phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ; kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm phẩm bảo vệ sức khỏe thực phẩm bổ sung thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng…

Đồng thời, các đơn vị tăng cường lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhóm sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (như hỗ trợ người bị tăng huyết áp đái tháo đường đau xương khớp mỡ máu rối loạn cương dương tăng cân giảm cân…)

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành hậu kiểm các quy định về: Công bố sản phẩm đối với sản phẩm thực phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định. Các địa phương tập trung hậu kiểm hồ sơ tự công bố sản phẩm tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

Các cơ quan chức năng cũng tập trung hậu kiểm các nội dung như: Hậu kiểm công bố sản phẩm; hậu kiểm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; hậu kiểm đối với thực phẩm nhập khẩu; hậu kiểm về ghi nhãn thực hiện theo quy định; hậu kiểm về quảng cáo; hậu kiểm về sản xuất kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; hậu kiểm về truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu tăng cường xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các báo đài, trên internet và môi trường mạng và lấy mẫu kiểm nghiệm về chất lượng các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; tập trung lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc các nhóm sản phẩm như hỗ trợ người bị tăng huyết áp đái tháo đường đau xương khớp mỡ máu rối loạn cương dương tăng cân giảm cân…

Đặc biệt hoạt động hậu kiểm cần tránh chồng chéo, phải bảo đảm phù hợp tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, đúng pháp luật; tiến hành hậu kiểm nhưng không cản trở hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân.

Theo Báo Tin tức

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …