Diễn viên Phương Anh Đào và Quang Tuấn trong phim
Rạp không đông khách lắm, mua vé cũng dễ, chắc là do tôi đi coi suất chiều, nhưng bạn đi coi suất tối, bảo cũng không đông lắm. “Xem phim về nước mắt cứ chảy vào trong, thương chi lạ những người đàn bà miền Tây”, bạn nhắn. Tôi cười nhắn lại “Con gái miền Tây chứ”. Bạn lại lý sự: “Ừ, con gái hay đàn bà thì tình yêu của họ có khác gì nhau”.
Tôi thường nói với bạn, tôi thích đọc Nguyễn Ngọc Tư nhưng lần nào cũng vậy, tôi hay “la trời” với bạn là sao tôi đọc Tư khổ thế. Câu chữ của Tư viết tỉnh queo vậy mà da diết, tưởng bông lơn mà thấu sự đời. Mỗi lần như vậy, tôi lại nhớ người anh đã từng nói “Nguyễn Ngọc Tư là thiên sứ trên trời phái xuống nhân gian để viết về con người với những niềm vui, nỗi khổ và sau tất cả, đọng lại trong người đọc vẫn là sự nồng ấm, dễ chịu của yêu thương”.
Tôi đã đọc “Tro tàn rực rỡ” và “Củi mục trôi về” của Nguyễn Ngọc Tư. Đọc cũng khá lâu, chỉ nhớ cốt truyện mà không nhớ các chi tiết lắm. Tôi tin chắc nhiều bạn đọc truyện Nguyễn Ngọc Tư cũng sẽ như tôi là chờ xem bộ phim được chuyển thể từ hai truyện ngắn của nhà văn mà mình yêu thích. Tôi cũng chờ, rảnh rỗi nhưng không đọc lại hai truyện đó trước khi xem phim vì muốn mình đến với tác phẩm điện ảnh một cách “hồn nhiên” nhất, “trong sáng” nhất, không đọc trước các bài giới thiệu, phỏng vấn, quên bớt văn chương của Tư.
Poster phim “Tro tàn rực rỡ”
Và tôi coi từ đầu đến hết cả phần chạy chữ tên diễn viên, chức vụ, công việc của từng người trong đoàn làm phim và cả những dòng “cảm ơn” dài như vô tận. Tôi không muốn đứng lên ngay khi phim vừa kết thúc cảnh cuối cùng, Hậu một mình chạy thuyền ra biển. Tôi muốn ngồi thêm một lúc để cho trái tim mình lắng xuống nỗi xót xa, sao những người phụ nữ muôn đời vẫn khổ vì yêu như thế. Sao lại chọn đứng trong đám cháy, biến mình thành ngọn lửa chỉ để mong được chồng nhìn thấy hở Nhàn? Sao lại chịu sống trong sự thờ ơ, lạnh lùng, không trò không chuyện của chồng, chỉ một mình độc thoại hở Hậu? Phần đông chúng ta không tin ngày nay tại sao lại có những người phụ nữ yêu đến quên cả mạng sống của mình như vậy, nhưng thật sự là họ vẫn có đó, quanh chúng ta, không chỉ ở miền Tây, ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Thế gian thường bảo yêu si mê là “thú thương đau”, người trong cuộc có biết không, họ có biết, nhưng họ (phần lớn là phụ nữ) vẫn chọn chịu phần thiệt thòi bởi bất kỳ ở đâu, mang màu da nào thì người phụ nữ cũng sống với trái tim rộng lớn, bao la tình yêu thương, bao dung, cam chịu và cả hy sinh. Nhàn và Hậu cũng như thế. Vì một trái tim yêu như thế nên phụ nữ muôn đời vẫn khổ nếu yêu không đúng người, gặp không đúng người.
Cảnh kết phim bao la sóng nước, Hậu một mình trên biển vắng. Tôi về tìm đọc lại “Tro tàn rực rỡ”, không có cái kết này, thầm cảm ơn Bùi Thạc Chuyên đã chọn một cái kết vừa đúng với style truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, một cái kết có hậu để người xem “thở” được, “sống” được với hy vọng Hậu sẽ không bị sóng biển nhấn chìm thuyền, Hậu sẽ tìm gặp được Dương. Người xem hy vọng Dương sẽ trở về nhà, Hậu và Dương sẽ tiếp tục nếp sống muôn đời của người miền Tây.
“Tro tàn rực rỡ” có thêm câu chuyện tình oái ăm của Loan và nhân vật “gã”. Dù là người bị hại, cuối cùng chữ tha thứ cũng vút lên cao thành chữ yêu thương của Loan đối với “gã”. Ngoài đời người ta có thể nghĩ tại sao lại tha thứ? Nhưng Nguyễn Ngọc Tư là vậy, các nhân vật của chị luôn tha thứ cho lỗi lầm của người đã gây hại cho họ và có lẽ đó là cách tốt nhất để cả hai cùng “đứng dậy”. Tôi nghĩ “Tro tàn rực rỡ” đạt giải cao nhất – giải Khí cầu đốt lửa vàng – tại Liên hoan phim Ba lục địa ở Pháp bởi giá trị nhân văn cao cả ấy. Nguyễn Ngọc Tư luôn bóc những lớp tính cách phức tạp của con người do xã hội tạo nên để nhắc người đọc biết rằng, sau những lớp “áo” ấy là một con người vốn “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Chỉ có tình yêu thương mới cứu được những con người lầm lỗi, tình yêu thương cũng là sức mạnh của những con người bị vùi dập để họ tha thứ cho người và tự đứng lên, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã chuyển tải thành công thông điệp ấy bằng hình ảnh.
“Tro tàn rực rỡ” đúng chất phim điện ảnh. Nhân vật phải tự diễn xuất, bằng mắt, bằng khuôn mặt, hành động cử chỉ, lời thoại rất ngắn, người xem phải ở trong từng câu chuyện nhỏ. Phim thật đến độ sau ngày cưới, cô Hậu xinh đẹp khoác ngay chiếc áo dính đầy mủ chuối, bưng từng buồng chuối bự từ ghe lên… Diễn viên trong “Tro tàn rực rỡ” thật sự vất vả với nghề, đổi lại khán giả xem phim… sướng. Phim có nhiều cảnh quay đẹp, xúc động, đặc biệt những mảng sáng – tối trong từng khuôn hình giúp rất nhiều trong việc diễn tả tâm lý nhân vật. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên viết kịch bản phim thật xuất sắc.
Vẫn mê đọc Nguyễn Ngọc Tư và “Tro tàn rực rỡ” cho tôi thêm niềm tin vào phim điện ảnh Việt Nam.
Bài: XUÂN AN – Ảnh: CGV