Với vị trí “bản lề”, nơi tiếp giáp của Việt – Champa trong lịch sử nên Thừa Thiên Huế là vùng đất bảo lưu nhiều dấu tích văn hóa Champa khá độc đáo về nghệ thuật, đa dạng về thể loại, giá trị về mỹ thuật của quá trình “Nam tiến” của cư dân Đại Việt.
Tháp Chăm Phú Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) nhìn từ trên cao. Ảnh: Bảo tàng lịch sử
Đa dạng di sản văn hóa vật thể Champa
Theo khảo sát của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, trên địa bàn Thừa Thiên Huế có 44 dấu tích công trình liên quan đến văn hóa Champa. Trong đó có 17 đền, tháp, 3 thành lũy và nhiều công trình như mộ, bia, giếng cổ… Đến thời điểm này, có 3 công trình được xếp hạng là di tích quốc gia gồm tháp đôi Liễu Cốc (phường Hương Xuân, TX. Hương Trà), tháp Phú Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) và thành Lồi (phường Thủy Biều và Thủy Xuân, TP. Huế).
Ngoài ra, có hàng trăm hiện vật thuộc nhiều nhóm như đồ dùng sinh hoạt, kiến trúc tôn giáo, trang trí, thờ tự… được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Khoa Lịch sử của Trường đại học Khoa học (ĐH Huế), Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP. Huế. Trong đó, có Bệ thờ Vân Trạch Hòa đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin) nói rằng, thoạt nhìn gần như trên địa bàn tỉnh có rất ít các đền tháp, di tích, di vật Champa hiển lộ trên mặt đất như một số địa phương từ Quảng Nam trở vào. Nhưng thật ra, di sản văn hóa vật thể Champa xứ Huế rất đa dạng. Theo ông Hoa, phần lớn di sản văn hóa vật thể Champa còn lại ở xứ Huế không tồn tại độc lập như những công trình riêng của người Chăm. Nhiều di tích, di vật Champa đã được người Huế tiếp nhận, dung hợp với các hình thái tín ngưỡng truyền thống của người Việt để tạo nên một sắc thái tín ngưỡng đa dạng của người Huế.
Ông Hoa dẫn chứng, có khi trên cùng một địa điểm như di tích tháp Linh Thái trở thành chùa Trấn Hải, tháp Ưu Điềm trở thành chùa Phật Lồi, tháp Vân Trạch Hòa trở thành chùa Bà Lồi… Đặc biệt, không thể không kể đến đó là đền thờ Nữ thần Po Yang Inư Nagar – người mẹ xứ sở của người Chăm ở núi Hòn Chén, đã được Việt hóa thành điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na từng được vua Đồng Khánh ban tên Huệ Nam điện. Không dừng lại đó, các hình thái tín ngưỡng, ẩm thực, trang phục… của người Huế cũng ảnh hưởng một số yếu tố của người Chăm.
Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Văn Quảng (Phó Trưởng khoa Lịch Sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế) nhận định sự phát triển của Champa ở khu vực Thừa Thiên Huế không chỉ được thể hiện qua số lượng di tích, di vật mà còn nhìn thấy qua sự đa dạng về loại hình của chúng.
Có thể bắt gặp sự hiện diện đầy đủ các loại hình di tích Champa, như: đền – tháp, thành – lũy, giếng nước, bia ký, mộ táng và các tác phẩm điêu khắc. “Điều này phản ánh sự đa dạng đời sống, từ vật chất đến tinh thần, từ dân sự đến quân sự. Các loại hình di tích này thường tập trung thành cụm, nhóm, đậm đặc ở khu vực đồng bằng, vùng trung và hạ lưu các dòng sông lớn của khu vực và thường lấy một thành lũy làm trung tâm”, TS. Quảng, nói.
Chưa “về một mối”
Dù không còn nguyên vẹn vì nhiều lý do khác nhau, nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa khẳng định, những giá trị tiềm ẩn từ di sản người Chăm đã hòa quyện trong tâm thức Huế, một phần không nhỏ dung hợp với Huế, tạo thành bản sắc văn hóa Huế. “Đã đến lúc cần nhìn lại những giá trị đích thực của di sản này để có sự quảng bá, bảo tồn, phát huy và phát triển những giá trị độc đáo mà di sản văn hóa Champa đã đóng góp cho Huế”, ông Hoa đề nghị.
Theo TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, hầu hết các di tích Champa trên địa bàn tỉnh đã trải qua thời kỳ tồn tại hàng ngàn năm, chịu sự tác động khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến tranh, vì thế đã trở thành phế tích. Do vậy cần tập trung nguồn kinh phí để giữ gìn, bảo quản những gì còn lại, nhất là các khu tháp.
Vấn đề khác đó là các hiện vật Champa trên địa bàn tỉnh hiện nay do nhiều tổ chức, cơ quan quản lý, việc bảo quản có nhiều khó khăn tùy thuộc theo khả năng từng nơi đưa ra trưng bày, phục vụ nhu cầu tham quan. Ông Dũng kiến nghị cần thiết đề nghị cơ quan có thẩm quyền thống nhất việc quản lý hiện vật về một đầu mối thì việc xây dựng kế hoạch quản lý (lập hồ sơ, đề cương trưng bày, cán bộ chuyên môn…), thiết lập địa điểm trưng bày sẽ đảm bảo, tạo nên sản phẩm du lịch để phục vụ du lịch, thu hút du khách. Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc này rất khó khăn vì các đơn vị, cơ quan thường tìm cách từ chối, không muốn chuyển giao.
Trong một cuộc hội thảo về văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế, PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thành lập một bảo tàng văn hóa Champa. Đồng quan điểm, khi nghiên cứu về văn hóa Champa, TS. Lưu Anh Rô, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Lịch sử TP. Đà Nẵng cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế cần có thêm nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về giao thoa văn hóa Việt – Champa. Cần có những cuộc khảo sát tường tận, đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa của mỗi phế tích, hiện vật, lập hồ sơ khoa học và xem xét công nhận là những di tích lịch sử văn hóa để giữ gìn và phát huy giá trị, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch. Ngoài ra, có thể hình thành một bảo tàng Champa, có phương án hình thành tour du lịch tham quan các di tích, hiện vật Champa.
NHẬT MINH