Rồi cũng rõ danh tính – một golfer ở Quảng Nam ì xèo dư luận mấy ngày qua.
Bỏ qua một bên nguyên nhân là như thế nào, chúng ta cần nhìn nhận vụ việc đánh người của golfer này dưới góc độ văn hóa – văn hóa ứng xử. Một người vừa thực hiện công việc của mình, vừa giúp người chơi golf – một môn chơi được cho là đẳng cấp cao trong các môn thể thao đòi hỏi, nếu không muốn nói cần sự ứng xử cao hơn về văn hóa. Chưa nói đến chuyện người phục vụ, họ giúp người chơi là công việc của họ, là thu nhập của họ, là đòi hỏi cao của người sử dụng lao động (chủ sân golf), ít nhất cần được xem họ là những người bạn vì họ đã giúp mình để cuộc chơi hoàn hảo nhất.
Chúng ta cứ hình dung như thế này: một người chơi thể thao và một người phục vụ. Suy cho cùng hai người làm hai công việc khác nhau. Người chơi là để thỏa mãn đam mê, sở thích. Người phục vụ là làm cách nào đó tốt nhất để cho người chơi thỏa mãn, chủ sử dụng lao động thỏa mãn và người lao động thì có lương. Trong mối quan hệ này, chắc ai cũng muốn làm tốt nhất công việc của mình. Nếu như người chơi thường xuyên chơi một sân golf và người phục vụ cũng là một vài người ấy thì có khi về lâu dài trở thành những người bạn (hoặc ít nhất là những người cũng đã quen mặt quen tên).
Ai lại đi đánh những người quen mặt quen tên vì một lý do nào đó?
Có vẻ như trong hành vi đánh người nêu trên nó thể hiện một cách nhìn nhận “kẻ cả”! Và cũng có vẻ như trong nhận thức của người thực hiện hành vi là kẻ cả vì sự giàu có, tức là tiền. Kiểu như tôi đã bỏ tiền ra thì anh phải phục vụ tôi thế này thế kia trong mong muốn của tôi, chứ không hề chứa đựng tình cảm và cảm xúc gì trong ứng xử giữa con người với con người? Nói thẳng ra là cách ứng xử không văn hóa.
Đã vậy, câu chuyện nó không hề đơn giản vì một lý do nữa, người thực hiện hành vi trên có địa vị xã hội cao – Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Đ., đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam đương nhiệm. Rất có thể trong ý thức của ông ấy, hành vi kẻ cả chẳng những dựa vào tiền (sự giàu có) mà còn dựa vào địa vị xã hội nữa. Cũng vì hành xử như vậy nên có thể sẽ có những câu hỏi khác, kiểu như phải chăng ông ấy đã nhiều lần ứng xử theo kiểu kẻ cả trong nhiều trường hợp – như cấp dưới của mình, trong những mối quan hệ xã hội không bình đẳng, trong những mối quan hệ được tâng bốc và nuông chiều… Dần dà nó hình thành nên tính cách mà chỉ được mọi người nhận biết khi nó diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, giữa chốn đông người.
Bất kỳ ai cũng cần văn hóa, ít nhất là văn hóa ứng xử. Người giàu, người có địa vị xã hội thì cần hơn ở điều này. Có văn hóa, có đạo đức, có tình nghĩa, có nhân ái… thì mới đủ sức dẫn dắt anh đến sự chia sẻ với cộng đồng mà những người không có điều kiện về vật chất có khi muốn cũng không thực hiện được. Có địa vị mà thiếu văn hóa thì càng tai hại cho cộng đồng.
Nếu vì có một lúc nào đó chúng ta không thể kiềm chế được sự bực tức mà gây ra sự cố, thôi thì cũng có thể bỏ qua. Nhưng nếu là hành vi kẻ cả thì khó có thể chấp nhận. Vì hành vi kẻ cả luôn đi cùng với tính cách và nó được “củng cố” theo thời gian. Vì nó thường gắn với những người ít trong nghĩa tình và nhân ái.
Nguyên Lê