Tổng kết, khen thưởng cần đúng thực chất

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

1. Để chuẩn bị cho tổng kết, các bộ phận trong cơ quan phải phối hợp với nhau để có một báo cáo “hoàn chỉnh” vừa phục vụ tổng kết vừa báo cáo lên cấp trên. Đây là dịp quan trọng nhằm đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ, rút ra bài học kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế và đề ra phương hướng.

Báo cáo như thế nào để có được “thành tích”, không bị phê bình, được tiếng thơm cho lãnh đạo đơn vị là đau đầu cho người “chắp bút”. Viết không khéo, không đúng với ý của thủ trưởng, không có “thành tích” nổi bật có khi phải “xào xáo” số liệu, đánh giá cho đạt được mục đích đó. Trong một báo cáo tổng kết muốn bảo đảm thiết thực, hiệu quả thì yêu cầu là phải nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng thực tế. Thế nhưng, “căn bệnh” né thực tế dường như là “mãn tính” ở rất nhiều cơ quan.

Biểu hiện rõ nhất là viết báo cáo thường theo kiểu “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”, thành tích nhiều, tồn tại ít và trở thành mô típ thường thấy. Đặc biệt, cấp ủy, thủ trưởng chẳng ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của tập thể; trong đó có trách nhiệm của mình.

Đánh giá kết quả nhiệm vụ của đơn vị, của cán bộ, công chức thì dễ, nhưng với thủ trưởng thì phải cân nhắc báo cáo thế nào để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, thủ trưởng chỉ đạo hoàn thành xuất sắc, dù thực tế không hoàn toàn đúng như vậy! Đâylà điều đáng cảnh báo về thực trạng này?

Cán bộ trong cơ quan không ủng hộ kiểu “né thực tế” nêu trên, nhưng lại coi đó là việc “đương nhiên phải thế”, tồn tại lâu nay! Thành tích của tập thể gắn với hiệu quả lãnh đạo của thủ trưởng là khó nói trái được? Nhưng nếu là nêu ra tồn tại thì phải biết lách vì… lý do khách quan.

Có nhiều hội nghị tổng kết chỉ để “diễn”, tốn thời gian, làm cho có, cho xong việc. Bản báo cáo và ý kiến phát biểu xào xáo, thành tích là chính, trong khi những yếu kém, khuyết điểm thì nhiều năm không nhắc tới và khó nói là đã được khắc phục!

Thực tế, muốn các thành viên trong tập thể nói thẳng, nói thật thì quan trọng nhất là người chủ trì phải thực sự có tầm và thực tâm muốn nghe sự thật, nhận rõ giá trị hiệu quả thật của đơn vị mình. Xem ra, tiếng nói mang tính xây dựng trong các hội nghị nói chung, hội nghị tổng kết cuối năm nói riêng vẫn là “khó nói”, dù là nói thẳng, nói thật.

2. Sau tổng kết không ít người xì xào bàn tán về các cá nhân được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chưa xứng đáng được khen, nhưng không dám nói ra. Thực tế đã có những cán bộ “dậm chân tại chỗ”, bị sa ngã, thậm chí bị pháp luật “sờ gáy” vì không được phê bình, khuyên nhủ mà chỉ nhận được lời khen, được khen thưởng quá tầm.

Có người thành tích không biết lấy từ đâu nhưng liệt kê báo cáo “kêu như pháo nổ”! Cái khó nhất là bình xét thi đua ít nhất phải “ưu tiên” dành khen cho cấp trên trước rồi mới đến cấp dưới. Không giới thiệu cho sếp sau này “khó ăn khó nói”. Chẳng thế mà có vị lãnh đạo nọ khi ra tòa “trưng ra” hàng trăm bằng khen, giấy khen, huân chương để làm tình tiết giảm nhẹ cũng chỉ vì ông ta đã từng là sếp lớn, được khen nhiều. Đó là chưa kể những trường hợp được “gợi ý” để khen thì khó mà làm trái, dù thành tích chẳng có gì xuất sắc. Thế nên, có không ít lãnh đạo được khen thành tích bậc cao, được quy hoạch, đề bạt, khi thanh tra mới lòi ra đơn vị làm ăn thua lỗ, thất thoát là như vậy.

Cơ chế khen thưởng của chúng ta căn cứ vào “chỉ tiêu” được phân bổ, muốn khen thưởng theo thành tích thực tế cũng khó. Khen thưởng chỉ cho phép trong phạm vi số lượng nhất định, dù có thành tích vượt trội nhưng quá chỉ tiêu nên người có thành tích cũng chỉ là tham khảo, chờ dịp khác. Những danh hiệu niên hạn đòi hỏi khắt khe hơn, nhiều người đến niên hạn dễ bị rơi vào ô “mất lượt”.

Tình trạng cục bộ, phe cánh giới thiệu cho nhau khi bình xét còn nặng định tính hơn định lượng nên đánh giá chung chung, số người làm thực chất ít được “chen chân” vào khen thưởng. Cái khó nữa là khâu bỏ phiếu khi xét thi đua, không ưa nhau là gạch đi thì dù cho làm việc tốt, tỷ lệ phần trăm không đạt xem như bị loại. Nhiều người bị oan vì cái khoản giấy trắng mực đen từ lá phiếu của thủ tục này!

3. Phải xác định tổng kết và bình xét thi đua cuối năm là một dịp để nhìn lại thành quả sau một năm làm việc. Tổng kết không đúng thực chất sẽ là hiểm họa khi đánh giá không đúng hiệu quả nhiệm vụ, không đúng bản chất của tổng kết. Thi đua khen thưởng không vì thành tích chung, thiên vị cá nhân sẽ làm thui chột khí thế, mất tính suy tôn đối với tập thể, cá nhân. Muốn có được tổng kết, thi đua khen thưởng đúng đòi hỏi người đứng đầu phải thực sự có tâm, biết lắng nghe những ý kiến góp ý mang tính xây dựng.

Cấp trên càng phải lắng nghe hiệu quả thật, thấy được nguy hại “mật ngọt” trong báo cáo tổng kết. Không thể làm “đẹp mặt” khi tổng kết đánh giá hàng năm chỉ vì “thành tích” không thực chất, trở thành “khối u ác tính”. Không loại bỏ được căn bệnh này sẽ là mầm mống phát sinh tiêu cực, làm mất niềm tin của cán bộ, công chức, dễ trở thành “bệnh” gian dối có hệ thống trong từng cơ quan, trong bộ máy hành chính.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …