Cứ mỗi lần thấy bác về đến nhà là con chim cu cứ gật gù “cù cù… cù cù…” như “đón” bác. Tính ra, nó cũng đã gắn bó với gia đình bác hơn nửa năm rồi, kể từ cái ngày đó…
Đêm ấy, mưa và gió mạnh, lên sân thượng để cất dọn mấy thứ, qua ánh đèn đường chiếu vào, bác nhìn thấy con vật gì đó đang run rẩy thu mình dưới chậu bông giấy. Bác vào nhà tìm đèn pin rọi vào thì nhận ra, đó là con chim cu. Thấy bác nhưng nó vẫn nằm im mà không hề bay đi hay di chuyển sang nơi khác. Tội nghiệp, con chim đang bị thương ở cánh, máu tươm ra ướt cả lông. Mưa càng nặng hạt, trời về đêm càng lạnh, biết là nó không thể đi đâu được nên bác nhẹ nhàng tiến đến và đem nó vào nhà. Nó cũng không đứng được, hình như cái chân bị thương đâu đó.
Nghe bác bắt được chim tại nhà, có đứa cháu khuyên bác thả nó ra, vì “chim sa cá nhảy” không chừng là xui lắm. Bác cười và xoa đầu cháu mà không nói gì. Sau đó bác sát trùng vào vết thương ở cánh cho nó. Sẵn có cái lồng chim đang bỏ không, thế là bác đem nuôi, rồi kiếm lúa, đậu, mè… cho ăn, uống với hy vọng là nó sống được. Trời giá lạnh bác đem vào trong nhà rồi trùm khăn kín quanh lồng. Cũng may, chỉ hơn mươi ngày, vết thương ở cánh cũng khô, đã liền da, nó đã đứng vững được và đi lại khập khiễng trong lồng. Được bác chăm sóc nên tháng sau nó khỏe mạnh hẳn lên, bộ “mã” cũng khá đẹp, nhất là cườm ở cổ rất nhiều, cái đuôi cũng dài, bộ lông ngày càng mượt mà hơn và bắt đầu gật gù “cù cù … cù cù…” khi bác đến gần hay cho ăn, như lời cám ơn người đã cứu sinh mạng nó.
Từ khi có con chim cu, không khí trong nhà bác như vui nhộn hơn, đề tài về các loài chim được chuyện trò rôm ran. Con cháu đến nhà chơi không quên đem thêm thức ăn cho nó. Không biết nghe ai chỉ bảo, có đứa còn mang mấy viên dầu cá, nặn ra rồi cho vào nước uống hoặc trộn vào lúa, mè để nó khỏi bị bệnh đỏ mắt. Sáng sớm, bác dậy để tập thể dục, thấy bóng bác thấp thoáng thì ngoài thềm nó đã “cù cù… cù cù…”. Có người nói tiếng gù, tiếng gáy của chim cu buồn buồn nhưng bác lại cảm nhận khác. Cứ mỗi lần nghe gáy “cúc cu cu… cù… cù…” thì không gian như ấm cúng hơn, lòng bác nhẹ nhàng, thanh thản hơn, thả hồn về với làng quê bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa, thơ mộng, với tuổi thơ hồn nhiên bên bến nước con đò, lũy tre xanh rì rào trong gió chiều…
Một hôm, con cháu đến nhà, nhìn vào lồng thì chẳng thấy con chim cu đâu. Chắc là khi cho ăn quên đóng cửa nên đã sổ lồng. Hay bác cho ai, hay là nó đã bị bệnh… Hỏi thì được biết, bác đã thả nó rồi. Nghe thế ai cũng xuýt xoa và tiếc. Bác nói, nên trả về lại với thiên nhiên, nơi nó cần hơn. Hôm mở cửa lồng nhưng mãi lâu mà nó không chịu ra. Và sau khi ra khỏi lồng, con chim bay đậu ở hàng rào và cứ loanh quanh, luẩn quẩn nơi đó. Sợ bị chó, mèo vồ hoặc bị ai bắt nên bác đã xua tay cho nó bay đi. Có người thấy, hôm sau nó vẫn đậu ở nóc nhà bác. Nói đến đây, bác nhìn về góc trời xa xăm với ánh mắt buồn.
LINH THIỆN