“Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp

Chủ tịch cơ quan đánh giá báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”. Ảnh:Thu Hà/TTXVN

Quyết định này được thông qua trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 17 của Uỷ ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 28/11 đến 3/12 tại thủ đô Rabat của Maroc.

Theo phóng viên TTXVN bên cạnh UNESCO, phát biểu tại lễ công bố, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, bày tỏ sự biết ơn và vinh dự của đất nước và nhân dân Việt Nam khi “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được ghi vào Danh sách Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Bà khẳng định chính phủ và đặc biệt là cộng đồng người Chăm ở Việt Nam cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo vệ di sản quý giá này.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, cho biết “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của nước ta được UNESCO ghi danh, và cũng là danh hiệu thứ 4 của Việt Nam được tổ chức này vinh danh trong năm nay, cùng với các hồ sơ vừa được ghi vào Danh sách Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (Hà Tĩnh) và Bia ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và Thành phố học tập Cao Lãnh.

Đại sứ nhấn mạnh: “Sự ghi nhận này một lần nữa khẳng định sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị văn hóa của người dân hai tỉnh nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung, qua đó góp phần không nhỏ giới thiệu đến bạn bè quốc tế về những di sản văn hóa đặc sắc của vùng đất duyên hải Nam Trung Bộ. Điều này cũng thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy, nhất là trên cương vị thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 giai đoạn 2022-2026”.

Nghệ nhân gốm Bàu Trúc (làng gốm Chăm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Với sự ghi nhận này của UNESCO, đồng bào dân tộc và cộng đồng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của nghề làm Gốm truyền thống của người Chăm trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Việc ghi danh cũng sẽ thúc đẩy các biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm bảo tồn, vực dậy sức sống của di sản, tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản này, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa theo hướng bền vững, bao trùm ở các địa phương, cộng đồng dân cư.

Bày tỏ niềm vui khi được chứng kiến “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp, ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nói: “Đây không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm của lãnh đạo và người dân địa phương trong việc gìn giữ bảo tồn một di sản được thế giới công nhận. Do đó trong thời gian tới, tỉnh cần phải phát huy những giá trị đích thực của di dản, đồng thời gắn kết di sản với phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương để những giá trị này đem lại lợi ích chung cho xã hội cũng như cộng đồng, đặc biệt là đối với đồng bào Chăm ở Ninh Thuận”.

Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm có một vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Gốm là vật dụng không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Gốm Chăm hiện nay còn hiện diện chủ yếu ở hai làng là Ligok (Trì Đức, tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận), tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay,

Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa. Toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm toát lên một giá trị nghệ thuật đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, vẫn giữ được hồn cốt tinh túy và vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm, tạo nên giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm. Tuy phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng khiến di sản có nguy cơ biến mất, cộng đồng dân tộc Chăm nói riêng và người dân Việt Nam nói chung vẫn luôn nỗ lực bảo vệ di sản này.

Với những ý nghĩa đó, Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã đánh giá hồ sơ di sản “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đáp ứng đủ năm tiêu chí được Công ước đề ra và ghi danh di sản vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.

Kỳ họp lần thứ 17 của Uỷ ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là kỳ họp trực tiếp đầu tiên của ủy ban này kể từ xảy ra đại dịch COVID-19. Khoảng 1.100 đại biểu đến từ 130/180 quốc gia thành viên đã tham dự sự kiện dưới sự chủ trì của Đại sứ Samir Addahre, Trưởng Phái đoàn Vương quốc Maroc bên cạnh UNESCO. Tham dự kỳ họp về phía Việt Nam có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, nghệ nhân làm gốm Chăm…

Tại kỳ họp này, Ủy ban liên chính phủ xem xét báo cáo của các quốc gia thành viên về tình trạng của các di sản được ghi trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; nghiên cứu các báo cáo chu kỳ đầu tiên về việc thực hiện Công ước và về tình trạng của các di sản được ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại các Quốc gia thành viên ở châu Âu; thẩm định hồ sơ đề nghị ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tiếp nhận các đề xuất đăng ký vào Danh sách thực hành bảo vệ tốt; Quỹ di sản văn hóa phi vật thể; thảo luận chuyên đề về di sản sống và phát triển bền vững…

Kỳ họp lần thứ 17 có ý nghĩa quan trọng vì đây là hoạt động hướng tới chuẩn bị kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tuy là một trong những khuôn khổ hợp tác khá mới mẻ của UNESCO, nhưng Công ước 2003 được đánh giá rất thành công. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần Công ước này ngày càng được coi trọng trong xã hội hiện đại, trước tác động nhiều chiều của toàn cầu hóa, công nghệ số, gần đây nhất là đại dịch COVID-19, đặt ra những thách thức gay gắt cho đời sống văn hóa – xã hội của nhân loại. Di sản văn hóa phi vật thể đang ngày càng khẳng định vai trò là động lực cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại liên văn hóa, gắn kết xã hội, phát triển bền vững và tự cường.

Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 là cơ quan điều hành của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi Công ước. Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể bao gồm 24 đại diện của các quốc gia thành viên, do Đại hội đồng các quốc gia thành viên Công ước bầu ra. Việt Nam hiện là thành viên ủy ban, đồng thời là thành viên Hội đồng chấp hành, nhiệm kỳ 2022-2026.

Theo TTXVN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …