Hỗ trợ phụ nữ yếu thế
Góp nhặt yêu thương
Chị Trần Thị Thơ ở tổ 12, phường An Cựu (TP. Huế) có chồng và ba chồng đều bị bệnh, 2 con nhỏ đang tuổi ăn học, mọi lo toan trong nhà một mình chị xoay xở, mấy năm vừa rồi đại dịch COVID-19, gia đình chị lại càng khó khăn. Được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường An Cựu hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng và tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi, chị Thơ đã có được gian hàng buôn bán nhỏ để ổn định cuộc sống.
Tháng 6/2022, Hội LHPN tỉnh được UBND tỉnh giao dự án (DA) “Mái ấm tình thương và sinh kế cho hộ gia đình, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn” do Tổ chức Blue Dragon Children’s Foundation (Úc) tài trợ. Tổng trị giá của gói tài trợ là gần 3,5 tỷ đồng, nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ yếu thế, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng thiên tai, đại dịch COVID-19 tại 2 huyện Phú Vang, Phú Lộc có được mái ấm, sống trong môi trường an toàn và lành mạnh.
Hội LHPN TP. Huế thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Tư vấn, hỗ trợ một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em”. CLB tham gia hướng dẫn, hỗ trợ nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tranh chấp đất đai, dành quyền nuôi con… của hội viên. CLB còn tổ chức hàng loạt các đợt truyền thông đưa kiến thức pháp luật đến cán bộ, hội viên phụ nữ. Năm năm qua, hội đã nhận hơn 250 em để giáo dục cảm hóa, đại đa số trong đó đã tiến bộ.
Ấn tượng là sự gắn kết giữa “tình thương” với “sinh kế” trong những DA hướng đến người yếu thế. Cách đây mấy năm, cũng là Hội LHPN tỉnh, được sự đồng ý của UBND tỉnh, đã phối hợp với Tổ chức Basic Needs, Sở Y tế ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện DA “Kết hợp mô hình sinh kế trong quản lý trầm cảm có hiệu quả Life-DM”. Kết quả, đã điều trị thành công cho 8 bệnh nhân, đặc biệt có chị Lê Thị Kim Anh (trú tại phường Vỹ Dạ, TP. Huế) được DA phối hợp với kênh VTV4 Truyền hình Việt Nam thực hiện phóng sự “Chân dung cuộc sống – Viên thuốc hạnh phúc”. Đáng nói hơn, “liệu trình điều trị” có sự kết hợp giữa việc sử dụng thuốc, điều trị tâm lý với phát triển sinh kế.
Cùng chia sẻ và đồng hành
Hỗ trợ phụ nữ nghèo và yếu thế, Hội LHPN phường Phú Bài (thị xã Hương Thủy) phát động hội viên đăng ký tham gia các mô hình heo đất tình thương, thu gom phế liệu trong gia đình vừa làm sạch môi trường vừa bán gây quỹ. Thông qua mô hình, các chi hội thu được hàng chục triệu đồng mỗi năm. Từ nguồn kinh phí này, hội kịp thời giúp các chị không may rơi vào hoàn cảnh éo le và hỗ trợ các chị khó khăn khác số vốn ban đầu để chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Hội LHPN phường Phú Bài cũng hướng dẫn các chi, tổ hội xây dựng quỹ tiết kiệm tự nguyện tại chỗ, góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế. Hiện, các cấp hội phụ nữ phường Phú Bài đã xây dựng được nguồn quỹ gần 2 tỷ đồng, cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc không tính lãi đối với những chị có hoàn cảnh đặc biệt.
Trước những hậu quả nặng nề của dịch COVID-19 cũng như thiên tai, các cấp hội phụ nữ đã kêu gọi, kết nối các cá nhân, tổ chức xã hội và đón nhận tấm lòng yêu thương của cả nước hướng về Thừa Thiên Huế. Nổi bật là phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh đã phản ứng nhanh, hỗ trợ khẩn cấp gia đình bị thiệt hại nặng, các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 30 hộ trong “Tổ liên kết sản xuất nấm rơm” tại phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy là mô hình đầu tiên được hỗ trợ 140 triệu đồng khắc phục thiệt hại sau lụt bão. Hội LHPN tỉnh, các huyện, thị, thành phố cùng Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, thẩm định mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ và khả năng tái thiết cuộc sống của người dân tại các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
Mô hình “Đồng hành cùng phụ nữ đơn thân, yếu thế” được các cấp Hội LHPN TP. Huế thực hiện cũng rất đáng được ghi nhận. Hiện, các cấp hội đã đảm nhận giúp đỡ hơn 300 trường hợp phụ nữ đơn thân, yếu thế, trẻ em khuyết tật, trong đó tập trung chăm sóc nuôi dưỡng hàng tháng, hỗ trợ sinh kế, tặng đồ dùng học tập… Mô hình được các cấp hội trên địa bàn tiếp tục duy trì nhân rộng trong suốt nhiệm kỳ 2021 – 2026. Hội đã sáng tạo bằng nhiều hình thức, như phát động phong trào “Tiết kiệm heo đất”, huy động đóng góp, ủng hộ của hội viên; trực tiếp kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm ủng hộ.
Thực tế ở Thừa Thiên Huế cho thấy, để hỗ trợ nhóm phụ nữ, trẻ em yếu thế đạt hiệu quả, hàng năm, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh chủ động rà soát, phân nhóm phụ nữ theo đặc thù để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực, tạo điều kiện để họ phát huy khả năng, năng lực của bản thân, tự tin vươn lên xây dựng cuộc sống ổn định. Quan trọng hơn là sự gắn kết tình thương với sự hỗ trợ sinh kế theo kiểu trao cho họ những chiếc “cần câu” để tự mình “câu cá”.
Bài, ảnh: ĐAN DUY