Đại biểu tham dự hội thảo
Tiền thân là trường Đảng Thừa Thiên, đến năm 1992, trước yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới, trường được đổi tên thành Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh.
Vinh dự và tự hào được mang tên nhà chính trị, quân sự lỗi lạc – Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người cộng sản kiên cường mẫu mực, một tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc, của quê hương Thừa Thiên Huế, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đi vào hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu của một thời kỳ phát triển mới.
Theo TS. Nguyễn Thị Châu, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, qua 30 năm mang tên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà trường đã có những sự phát triển vượt bậc.
Đáng chú ý, những năm gần đây, Ban Giám hiệu nhà trường đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy trong giai đoạn hiện nay.
Với đội ngũ giảng viên 92% có trình độ chuyên môn thạc sỹ và tiến sỹ; 100% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; 100% giảng viên có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm… có khả năng áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chí của trường chính trị chuẩn.
Với tham luận “Vai trò của đội ngũ giảng viên trong tiến trình xây dựng và phát triển Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh”, ThS. Lê Văn Nghĩa, nguyên Phó hiệu trưởng nhà trường đã đi sâu phân tích, đánh giá về việc xây dựng đội ngũ giáo viên theo hướng chuẩn hóa; thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môm nghiệp vụ; tích cực đổi mới phương pháp dạy học; tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Theo tác giả tham luận, “Việc xây dựng đội ngũ giảng viên của nhà trường là một yêu cầu cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện”.
PGS.TS Nguyễn Tất Thắng, Trường đại học Sư phạm Huế tham luận với chủ đề: “Vai trò của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong sự nghiệp giáo dục đào tạo chính trị, tư tưởng” cung cấp thêm về những đóng góp đáng trân trọng trong sự nghiệp giáo dục- đào tạo chính trị, tư tưởng cho cán bộ quân đội trong giai đoạn kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay.
“Với cương vị là Giám đốc Trường Chính trị trung cao cấp Quân đội Nhân dân Việt Nam, mỗi khi giảng bài, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có sự chuẩn bị công phu, truyền đạt bài giảng thể hiện tính lý luận và sâu sắc; trong đó, lý luận và chính trị gắn bó khăng khít với nhau, chứng minh một cách hết sức thuyết phục bằng thực tiễn sinh động được khái quát cao về mặt lý luận. Ông là một giáo viên mẫu mực mà tất cả các thế hệ giảng viên chính trị phải tu dưỡng và rèn luyện để giảng dạy và nghiên cứu khoa học tốt”- PGS.TS Nguyễn Tất Thắng khẳng định.
Đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở
Phát biểu tại hội thảo, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hoàng Khánh Hùng chúc mừng và biểu dương những kết quả mà Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đạt được. Đồng thời nhấn mạnh, xây dựng trường chính trị đạt chuẩn nhằm thực hiện sự chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt động khác của trường chính trị là mục tiêu xuyên suốt của nhà trường. Qua đó, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở các địa phương.
“Thời gian tới, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh cần đưa những tiêu chí đã được trở thành thực tế hành động, thấm sâu vào môi trường văn hóa, giảng dạy, học tập của nhà trường. Tiến hành rà soát những tiêu chí còn thiếu, xây dựng lộ trình, kế hoạch, bố trí nguồn lực phù hợp để phấn đấu thực hiện trường đạt chuẩn mức độ I vào năm 2024, tiến tới hoàn thành đạt chuẩn mức II trước năm 2030”, ông Hoàng Khánh Hùng đề nghị.
TS. Nguyễn Thị Châu, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh cho rằng, việc tổ chức hội thảo là rất cần thiết để xây dựng các luận cứ, khuyến nghị các giải pháp khả thi nhằm triển khai kịp thời, tranh thủ ý kiến của lãnh đạo tỉnh, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học trong việc thực hiện Quy định số 11 của Ban Bí thư về xây dựng trường chính trị chuẩn.
Bài, ảnh: THÁI BÌNH