Cười chưa chắc đã vui

Mới ngoài bốn mươi, chồng đã làm tổng giám đốc công ty. Vợ là giáo viên. Con gái, con trai đều chăm ngoan, đang học phổ thông đã tính đi nước ngoài khi lên đại học. Nhà cửa hoành tráng, xe cộ bóng nhoáng, nhỏ như trang phục, trang sức hay nước hoa cũng toát lên độ sang trọng của người dùng. Tổ ấm gồm bốn người ấy luôn rạng ngời bên nhau trong những tấm ảnh nơi phòng khách, hay trên mạng xã hội.

Tổ dân phố lấy anh chị làm gương, khuyến khích bà con noi theo trong xây dựng gia đình văn hóa. Về quê gặp nhau, đám cùng cởi truồng tắm mưa ngày xưa hay kể chuyện anh bơi sông, băng đồng hàng chục cây số đi học mỗi ngày; chuyện chị sáng nào cũng chở bó củi che khuất người đến chợ bán rồi mới lật đật vô lớp. Dù đói ăn thiếu mặc cùng vô vàn khốn khó thuở thiếu thời, cả hai vẫn lầm lũi vươn lên. Người già trong xóm thường bảo bọn trẻ: “Sắp bay chẳng phải học đâu cho xa, cứ có nghị lực như cô chú ấy ắt trưởng thành”. Về họp lớp cũ, bạn đồng môn xuýt xoa ao ước được một phần như anh chị, lại còn xui chị đi thi quý bà thành đạt.

Chị đâu ngờ sự mến mộ dành cho tổ ấm của mình có lúc biến thành áp lực thay vì niềm vui. Áp lực đến nỗi người trong cuộc muốn khác cũng không dám, vậy nên cứ như bị phân thân, rã rời. Bấy giờ, lời tán dương “cặp đôi hoàn hảo”, “hạnh phúc như mơ” khiến chị cảm thấy mỉa mai, cay đắng.

Anh ngoại tình. Chị bàng hoàng trước cái gật đầu xác nhận của chồng khi vợ đưa ra bằng chứng không thể chối cãi. Thay vì xuống nước, ỷ ôi xin lỗi là vẻ mệt mỏi lẫn bất cần đáp lại những lời cật vấn dồn dập trong nước mắt. Chị càng đau khi anh sẵn sàng buông bỏ và cho vợ quyền tự quyết: “Việc đã rồi, anh thế nào cũng chịu, tùy em”.

Chị muốn hét lên để đẩy những bực tức đang dồn nén trong lòng nhưng chợt nhớ “xấu chàng hổ ai”. Triền miên là những đêm mất ngủ, người xuống cấp trông thấy, đến nỗi chẳng dám soi gương. Oán anh rồi chị trách mình đã quá tin sự chung thủy, bởi nghĩ tình yêu từ thuở chăn trâu đến giảng đường đại học, từ đói nghèo đến thành đạt dễ gì lay chuyển. Chị tưởng có “tứ đức” sẽ đủ sức giữ chồng. Giờ mới thấm thía “một cái lạ bằng tạ cái quen” có thể mê hoặc, dẫn dắt những kẻ ngoại tình. Vợ nén lòng, dùng “lạt mềm” nhưng chẳng đưa được chồng trở về đường ngay nẻo thẳng. Có chăng anh ngụy trang khéo léo hơn, nói dối trơn tru hơn để thỏa đam mê ngoài luồng.

Vì con, ấy là lý do khiến chị không muốn mất mái ấm đã bắt đầu trở lạnh. Chị bao lần ngồi trước tờ giấy viết những lời giải thoát khỏi người chồng gần đấy nhưng giờ xa đấy, viết rồi xé. Cứ tưởng tượng cảnh chia lìa trong nước mắt, chị lại rùng mình, không dám nghĩ tiếp. Đau hơn là trước các con và người ngoài, chị giả nói cười, vẫn “anh anh em em” với chồng, mặc cõi lòng tan nát.

Cha mẹ chị đứng về phía con gái, khuyên hy sinh để giữ gia đình, để các cháu không bị thiệt thòi. Ông cụ động viên, không hiếm kẻ mê muội những giây phút “ngoài vợ ngoài chồng” nhưng cuối cùng cũng quay về với “chính thất”. Bà cụ thì hy vọng, lắm kẻ bồ bịch tùm lum nhưng không chóng thì chầy cũng trả giá và tỉnh ngộ. Sau cùng là lời an ủi, xây mới khó, đập bỏ thì dễ, thôi thì cố chịu đựng vì các con và lựa lời khuyên nhủ chồng.

Thấy cha mẹ ngồi với chị là em út bỏ đi, cô như biết trước điều hai cụ sẽ nói với con gái đầu, kiểu như nghe nhạc hiệu đoán chương trình. Chị cách em út gần hai mươi năm, khi út ra đời thì anh (là chồng chị bây giờ) đã mon men đến nhà chơi khiến chị ngượng đỏ mặt khi nghe tiếng khóc vọng ra từ buồng nhà dưới. Mẹ bảo út ra ngược, bị dây rốn quấn cổ nên sẽ khổ và lỳ. Cha nhìn con út mím môi cả khi ngủ, dự báo: “Con này khó bảo lắm”.

Ước mong cuối đời của cha mẹ là lo chồng con cho út, nhưng chờ mòn mỏi. Mỗi lần nghe hai cụ đảo lại điệp khúc lấy chồng, cô lẳng lặng bỏ đi. Út đã hai lần dẫn bạn trai về giới thiệu nhưng vẫn không dứt điểm được, khiến hy vọng của hai cụ bị trượt mấy lần.

Út chất vấn chị: “Đã tắt lửa lòng thì sống với nhau làm gì cho khổ? Chị bảo vì các con nhưng làm sao giấu được, chúng sẽ nghĩ gì khi biết ba ngoại tình, mẹ cố che đậy nỗi đau? Chúng hạnh phúc hay khổ đau khi ngày ngày chứng kiến bất hòa, bi kịch?”.

Chị giật mình, chợt nhớ những đêm con gái thấy mẹ ngồi nơi phòng khách chờ ba và khóc, liền ôm mẹ khóc theo. Xúc động, nó ghé tai mẹ thầm thì trong tiếng nấc: “Dù chuyện gì xảy ra thì chúng con vẫn sống cùng mẹ”. Con gái không còn nhủng nhẳng bám ba xin tiền, con trai không muốn đá cầu hay chơi cờ vua với ba như trước. Đến bữa cơm, chúng cũng lẳng lặng, chẳng nhìn mẹ khen ngon rồi quay qua ba tíu tít như thường khi. Xong bữa, mỗi đứa về phòng riêng, đóng cửa. Đến ánh mắt, chúng cũng lảng đi, không muốn nhìn ba.

Lâu lâu sau đó, chị vẫn chưa thoát khỏi nỗi đau bởi anh chưa chịu quay đầu. Hình như anh đọc được sự cam chịu cùng nỗi sợ đổ vỡ của vợ nên càng bất chấp, mãi đuổi theo đam mê đáng hổ thẹn. Nhà từ lâu đã tắt tiếng cười, nhưng người ngoài nhìn vào vẫn tưởng ấm êm. Bởi không muốn sự ngộ nhận kia vỡ ra, chị nén lòng, che giấu.

Út săm soi vẻ đờ đẫn của chị, hỏi mà như biết rồi: “Chị vẫn níu kéo hôn nhân khi tình yêu đã chết, không chỉ vì con mà còn vì lẽ khác, đúng không?”. Chị giật mình: “Lẽ gì?”. Út cười cười: “Sao lại hỏi em”.

Chị bần thần, đành thành thật với lòng mình. Chị sợ miệng lưỡi người đời, chồng bỏ hay bỏ chồng cũng dở như nhau. Sẽ nói thế nào khi được hỏi vì sao tổ ấm từng là ao ước của bao người bỗng tan đàn xẻ nghé. Những lời tán dương lẫn ghen tị ngày nào sẽ thành tiếng xì xào, chỉ chỏ sau lưng: “Cô ta bỏ chồng đấy”. Thoáng nghĩ thế chị đã thấy đau, nỗi đau mơ hồ nhưng rất thật. Đã quá quen lời khen nên chị sợ chê bai, đàm tiếu, sợ thể diện tổn thương.

Nhìn chị bất động suy tư, út nhỏ nhẹ: “Nên thành thật cả trong đau đớn, chị ạ. Đang chán đời nhưng vẫn cố tỏ ra hạnh phúc trước mọi người, vẫn giả cười khi chẳng vui thì không nên. Làm vậy khác nào lấy màn nhung phủ trên đống rác, vì muốn đẹp mặt mà tự dối mình, chuốc lấy khổ đau. Em xin nói thẳng, chị đừng giận nhé, đó cũng là bệnh sĩ đấy ạ”. Chị ngó sững đứa em bị cho ương bướng nhất nhà, thấy nó lớn và lạ đến bất ngờ. Lời chê trách suồng sã khiến chị chột dạ, giật mình.

Dưới mắt cha mẹ thì con út vẫn lông bông, cần được uốn nắn. Lựa hôm cả nhà quây quần đông đủ vào chủ nhật, cha gọi các con lại, ý muốn anh chị “hòa cùng một nhịp” khuyên đứa em mải chơi, quên chuyện chồng con. Cụ mở đầu bằng những lời dùng chung của các bậc sinh thành xưa nay, rằng con gái có lứa có thì, trai ba mươi tuổi đang xoan/gái ba mươi tuổi đã toan về già, rằng cha mẹ chỉ yên lòng khi con yên bề gia thất.

Cụ nhìn con út, không vui: “Cứ hay thay đổi bạn trai thế thì chừng nào mới kết hôn? Sao nay yêu mai bỏ là thế nào?”. Cụ nhăn mặt, lắc đầu. Đáp lại là lời khẽ nhẹ nhưng rõ ràng: “Con đang tìm hiểu mà”.

Người cha nhìn con gái đầu, như khuyến khích lên tiếng ủng hộ ý mình nhưng chị bối rối, cúi xuống. Không thể chờ lâu, cụ nói thẳng: “Chị Hai có lời với em út đi nào”. Chị gượng cười, thoáng ngần ngại rồi từ tốn: “Hãy để út sống thật với cảm xúc của mình. Yêu nhưng rồi thấy không hợp thì chia tay. Chưa tìm được ý trung nhân thì chưa kết hôn, cũng là bình thường, cha ạ”.

Mặc cha tròn mắt, chị cảm thấy nhẹ lòng với những lời được nghiệm ra từ nỗi bất hạnh của chính mình.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …