Động lực để phát triển

Thừa Thiên Huế được tôn vinh là vùng đất của lễ hội. Ảnh: Đình Thắng

Nhìn lại thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và Nhân dân nuôi dưỡng, phát huy; đồng thời có những hình thức phát triển phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu. Bên cạnh đó, văn hóa và giá trị văn hóa còn trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, kết hợp với du lịch, dịch vụ, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Hiệu quả cao nhất mà văn hóa và các giá trị văn hóa mang đến chính là nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, là nhân lên lòng yêu nước, ý chí khát vọng và tinh thần cống hiến của mỗi người dân ra sức thi đua lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu và công tác vì sự phát triển toàn diện của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì sự trường tồn của dân tộc.

Huế là một trong những vùng đất sắc thái văn hóa địa phương độc đáo. Cùng với Thăng Long, Huế là Kinh đô của nước Việt trong nhiều thế kỷ. Nói đến Huế, không chỉ là Huế trong phạm vi hành chính hiện nay, mà Huế là cả địa bàn Hóa Châu xưa, từ Mỹ Chánh đến Lăng Cô, từ núi đồi Trường Sơn đến đầm phá ra Biển Đông. Là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang, có nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử và hàng trăm lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế, Thừa Thiên Huế thực sự là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh để trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước và của châu Á.

Thừa Thiên Huế cũng là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm kết tinh giá trị từ lao động, sáng tạo và văn hóa của cộng đồng dân cư sinh sống bao đời như: Làng điêu khắc Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên, tranh dân gian làng Sình, tranh thêu Cố đô, đan lát Bao La, gót Dạ Lê, đúc đồng Phường Đúc, dệt Zèng A Lưới… Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng là vùng đất lưu giữ những giá trị nghệ thuật ẩm thực độc đáo với trên 1.300 món ăn cung đình tao nhã và dân gian phong phú, hấp dẫn (hiện cả nước có khoảng 1.700 món ăn), thể hiện nét tinh tế và cốt cách trong cách chế biến cũng như thưởng thức các món ăn của người Huế, theo thời gian đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của Huế.

Ngoài các di sản vật thể, Thừa Thiên Huế là nơi tập trung các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng; các loại hình nghệ thuật diễn xướng cung đình bác học, nghệ thuật trang trí, mỹ thuật, ẩm thực, phong tục tập quán. Những năm gần đây, các loại hình múa hát cung đình, lễ nhạc cung đình, tuồng Huế, ca Huế, ca kịch Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số đã và đang tiếp tục được đầu tư sưu tầm, khôi phục, phát huy và phát triển, đưa vào khai thác để phát triển du lịch văn hóa.

Kiến trúc Huế, y phục cổ truyền Huế, văn hóa ẩm thực Huế và nhiều làng nghề truyền thống đã và đang được bảo tồn, khôi phục và phát triển, tạo bản sắc văn hóa độc đáo của riêng Huế trong thời hiện đại.

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được tỉnh đẩy mạnh. Hệ thống Di tích lịch sử cách mạng, Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh… được giữ gìn và tôn tạo; các loại hình nghệ thuật (Cung đình, dân gian, truyền thống) được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị. Có thể khẳng định, với nguồn tài nguyên được nuôi dưỡng và bồi đắp qua nhiều giai đoạn lịch sử, hệ thống di sản văn hóa của vùng đất Cố đô Huế đã và đang tiếp tục gìn giữ, bảo tồn không chỉ mang ý nghĩa quốc hồn, quốc túy của dân tộc mà còn góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng “Đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Hơn 2 thập kỷ qua, với quyết tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng như mong muốn hội nhập với dòng chảy văn hóa của nhân loại, nhiều chủ trương, chính sách đã được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện. Hiện nay, Thừa Thiên Huế được tôn vinh là vùng đất của lễ hội (thành phố Huế là thành phố Festival của Việt Nam) với trên 500 lễ hội, bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, truyền thống, lễ hội tôn giáo tồn tại từ bao đời nay và gắn liền với những giá trị văn hóa của mỗi vùng đất. Đặc biệt, lễ hội Festival Huế diễn ra vào các năm chẵn và Festival Nghề truyền thống diễn ra vào các năm lẻ với những chuỗi hoạt động văn hóa, lễ hội ấn tượng, đặc sắc gắn kết với hoạt động giao lưu văn hóa sôi động, đa dạng, phong phú đã được trình diễn trong các kỳ Festival góp phần nâng cao vị thế văn hóa Huế trong nước và quốc tế.

QUANG HÒA

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …