Chuyện về những đóa hoa vô ưu

Hôm nay khu vực nhà vệ sinh nữ không có bình hoa tươi, thế là tôi và một vài đồng nghiệp “hay để ý”, biết ngay không phải ca làm của cô Mai. Mỗi sáng, sau khi lau dọn xong, cô thường có thói quen tận dụng hoa ở đại sảnh được bỏ đi để cắm vào cái bình nhựa, hoặc ly giấy, lọ thủy tinh,… trang trí nhà vệ sinh nữ. Qua bàn tay khéo léo của cô, những thứ tưởng chừng không dùng được nữa lại trở nên đẹp đẽ, hữu ích vô cùng. Đó cũng là điều dễ “nhận diện” cô với những cô tạp vụ khác trong công ty.

Không biết bao nhiêu lần, các đồng nghiệp của tôi phải “ú òa” vì những lọ hoa nhỏ xinh, duyên dáng ấy và chộn rộn vui cười chỉ vì một nhành hoa ly, hoa hồng, hoa lan, đồng tiền, thiên điểu,… khoe sắc trước gương soi. Tôi hỏi động lực nào giúp cô làm việc này mỗi ngày, dù không thuộc yêu cầu công việc. Cô mỉm cười đáp bằng chất giọng Sài Gòn gốc hiền queo: “À có gì đâu cháu, cô thích làm vậy vì bản thân cô cũng vui mà người khác cũng thấy thoải mái. Cứ làm đẹp cho đời được gì thì hay đó cháu ạ”. Tôi lặng người và thấy ngưỡng mộ cô vô cùng.

Cô Mai, chừng 55 tuổi, cô gắn bó công việc này ở công ty tôi 5 năm qua. Tính cô sạch sẽ và có trách nhiệm đến mức dù đã dọn xong cơ bản, nhưng cô luôn trong trạng thái kiếm nơi “tác nghiệp” để các khu vực khác luôn tinh tươm, thơm tho. Chồng cô mất đã lâu, con trai làm việc ở Nhật Bản. Dẫu một mình, nhưng cô luôn cười nói lạc quan khiến ai tiếp xúc cũng thấy như được nạp thêm năng lượng tích cực và dễ chịu nên tôi cùng nhiều đồng nghiệp dành cho cô sự cảm mến nhất định.

Gần nhà tôi có một chị người Quảng Ngãi bán cháo lòng. Hình ảnh chị Hồng bán cháo trên chiếc xe Honda wave cà tàng đỗ ở vỉa hè luôn tấp nập khách khứa ra vô trở nên quen thuộc với cư dân khu tôi sống. Với vị cháo đậm đà, mùi gạo rang đúng điệu, lòng heo mềm béo hấp dẫn cùng dáng bộ thoăn thoắt, tần tảo 5 giây trước khuấy múc cháo ra tô, một lát sau đã rắc hành thái nhỏ, hạt tiêu ăn kèm với rau mùi, giá đỗ là có ngay tô cháo ngọt lành. Sẽ chẳng có gì đáng nói khi đằng sau vẻ tươi cười, dễ nhìn ấy là một hoàn cảnh đầy thương cảm khi bạn trai ruồng bỏ, không nhận con khi chị báo tin có thai.

Lúc con chị được 2 tháng, chị ôm con vào Sài Gòn để bắt đầu cuộc sống mới với nhiều tủi hờn nhưng vẫn dạt dào niềm tin lấp lánh với cuộc đời. Chị bảo “Đời là mấy tí, chả nhẽ buồn hoài. Mình lại là phụ nữ, dù hoàn cảnh thế nào cũng phải luôn tỏa sáng, tươm tất, gọn gàng, đâu ra đó. Từ từ rồi cũng ổn em ạ…”. Và giờ chị ổn thật, cháo chị bán từ 5 giờ sáng, đến 8 giờ là hết sạch. Có vài khách nam còn đem lòng yêu thương chị nhưng chị cười xòa, bảo giờ chị tập trung lo cho con trai 3 tuổi và mở rộng kinh doanh nên không màng yêu đương. Dù vậy nhưng tôi biết, nếu ai thật lòng hiểu, thương và ôm cả quá khứ của chị vào lòng, chị sẽ không ngần ngại cho con tim mình có cơ hội ngân rung thêm lần nữa…

Họ là một vài người trong số rất nhiều người mà tôi gọi là “Hoa vô ưu”. Tôi biết khái niệm này khi đọc cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”. Đó là những “đóa hoa” có tâm hồn tựa khu vườn mùa hạ xuân thì, yêu đời yêu người dẫu lắm lúc bị “tắm” bởi những cơn mưa xám xịt, vần vũ giông tố, mập mờ sương khói,… ngang qua. Một cô Mai khiến nhiều người nhận ra chính con người mới làm nên sự cao quý của nghề nghiệp. Một chị Hồng dẫu đơn thương độc mã nhưng biết sắp xếp gọn ghẽ cuộc sống và tràn đầy hy vọng về tương lai phía trước. Họ là giàu lòng tự trọng, có trách nhiệm với nghề mình đã chọn và chung một tông màu hồn hậu, chất phác, cởi mở. Họ là những người bình thường biết trân trọng từng hơi thở giữa đời. Không lẽ dĩ nhiên mà cô Mai được nhiều người yêu quý, có gương mặt trẻ hơn số tuổi. Không lẽ dĩ nhiên mà cuộc sống chị Hồng ngày một tươi sáng hơn.

Và tôi tin, bất cứ ai giữ trong mình một chùm hoa vô ưu đều sẽ lan tỏa nguồn năng lượng diệu kỳ ấy đến với mỗi người họ quen biết để chúng ta cùng cuồng dại sống, khát khao yêu và làm đẹp cho cuộc đời. Để thấy nỗi buồn hôm qua, cơn thất tình mấy tháng nay, sự bực dọc thường ngày chẳng là gì, quá sức bé mọn và vụn vặt, không nghĩa lý. Để thấy bản thân cần có trách nhiệm dù ta là ai, vị trí nào ở gia đình, trong công ty hay ngoài xã hội. Để thấy biết ơn vì đang được sống yên vui, được cống hiến hết mình. Để thấy giây phút nào ngồi cùng nhau, cười với nhau, hiện diện bình an trong nhau tưởng chừng bình thường nhưng đáng quý biết bao nhiêu…

Cẩm Cát

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …