Hiện tại, đã có hơn 412.000 trang tài liệu Hán – Nôm được sưu tầm, số hóa ở 201 làng. Ảnh:TVTH
Hàng ngàn di sản tài liệu Hán – Nôm đã được Thư viện Tổng hợp tỉnh tiếp tục cho số hóa trong năm 2022, được xem là những tư liệu quý trong hành trình lưu giữ những giá trị di sản văn hóa lịch sử trước nguy cơ hư hỏng, thất lạc.
Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022, đoàn cán bộ Thư viện Tổng hợp tỉnh cùng với các chuyên gia lại tiếp tục tìm đến các dòng họ, tư gia thuộc địa bàn hai xã Phú Xuân và Phú Gia (huyện Phú Vang) để sưu tầm và bắt tay với công việc số hóa di sản tài liệu Hán – Nôm. Ở những nơi này, đoàn cán bộ thư viện và một số chuyên gia đã phối hợp với chính quyền địa phương lần lượt mở các hòm bộ sắc phong lưu trữ tài liệu Hán – Nôm của 66 họ tộc (14 làng) để số hóa. Số tài liệu được số hóa ước tính hơn 12.000 trang.
Bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh cho hay, tính đến hiện tại đã có hơn 412.000 trang tài liệu Hán – Nôm được sưu tầm, số hóa ở 201 làng, gồm 989 họ tộc, 18 phủ đệ trên toàn tỉnh. Trong đó có rất nhiều tài liệu quý được tìm thấy, như: sắc phong, chế, chiếu chỉ, lệnh chỉ, gia phả, địa bạ, đinh bạ, văn bằng, văn bản hành chính, sách văn học, lịch sử, sách thuốc, hương ước, văn tế…
Riêng trong 2 năm trở lại đây, mặc dù điều kiện thời tiết, cũng như dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng Thư viện Tổng hợp tỉnh đã tổ chức số hóa các tài liệu Hán – Nôm trên địa bàn. Cụ thể, đã số hóa khoảng 200.000 trang (đạt chừng 50% số trang tài liệu sưu tầm, số hóa trong 12 năm qua). Công tác số hóa đã được các dòng họ tổ chức theo các nghi thức truyền thống, như: lễ tế, rước, khai mở hòm lưu giữ sắc phong… Đó là chưa kể một lượng lớn các tài liệu được lưu giữ ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng do thời tiết khí hậu khắc nghiệt, điều kiện bảo quản sơ sài cũng như thất lạc.
Tất cả đã được thư viện phối hợp với các đơn vị để phân loại, phiên dịch, xuất bản thành tài liệu số để lưu trữ tập trung trong hệ thống lưu trữ của thư viện. Ngoài ra xây dựng phần mềm quản lý chuyên ngành, trang thông tin quảng bá cũng như tổ chức các hoạt động in ấn các bộ sắc phong với khổ tấm lớn để trưng bày triển lãm; lựa chọn một số tài liệu quý để xuất bản sách, ấn phẩm để giới thiệu đến các độc giả.
“Sau khi phân loại, biên dịch và hoàn thiện bản được số hóa để lưu trữ tài liệu dưới dạng tài liệu số, đơn vị tiến hành xuất bản sao trên thiết bị điện tử và tổ chức bàn giao tài liệu số cho các địa phương. Trường hợp các địa phương có đề nghị để phục vụ cho hoạt động quan trọng tại địa phương, phía thư viện sẽ xem xét và phối hợp hỗ trợ để phục vụ cho công tác quảng bá, phát huy giá trị tài liệu đó”, bà Oanh cho hay.
Từ quá trình sưu tầm và số hóa đó, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã phối hợp với nhiều thư viện bạn, các trung tâm nghiên cứu và cho xuất bản nhiều sách liên quan về Hán – Nôm phục vụ việc bảo tồn, nghiên cứu. Bên cạnh việc sưu tầm, số hóa, thời gian gần đây còn phối hợp với các đơn vị chuyên môn tập huấn công tác bảo quản tại nguồn cho các chủ sở hữu tài liệu Hán – Nôm ở các huyện, thị xã.
Bà Oanh cho biết thêm, cuối năm 2022 và thời gian về sau, Thư viện Tổng hợp tỉnh tiếp tục công tác sưu tầm, số hóa tại các địa bàn thuộc khu vực TP. Huế. Bên cạnh đó, tiếp tục công tác phục chế sắc phong, chế phong, chiếu tại các huyện Phú Lộc, Phú Vang. Không dừng lại đó, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao hoạt động bảo tồn di sản Hán – Nôm cho các họ tộc, làng, xã nói riêng, Nhân dân nói chung và đặc biệt là thế hệ thanh, thiếu niên – một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn.
Để nguồn tài liệu di sản Hán – Nôm trên địa bàn thật sự phát huy giá trị, Thư viện Tổng hợp tỉnh đang nỗ lực để đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động thư viện. Thế nhưng, theo Thư viện Tổng hợp tỉnh, quá trình làm công tác này ít nhiều cũng gặp khó khăn. Ví như trong quá trình điền dã, sưu tầm số hóa tài liệu Hán – Nôm tại các địa phương, thư viện gặp phải những khó khăn nhất định về vấn đề thỏa thuận trong sử dụng, phát huy nguồn tài liệu của các dòng họ, tư gia.
Ngoài ra, việc triển khai vấn đề về sử dụng tài liệu số sau khi được sưu tầm, số hóa trên hệ thống mạng đối với tài liệu số nói chung, cũng như tài liệu số về tư liệu Hán – Nôm nói riêng vẫn còn một số chính sách gặp phải, nhất là đối với việc sử dụng bản quyền tác giả, sở hữu và các quyền liên quan. Vì thế, thư viện cho rằng các ngành chức năng liên quan cần tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các quy định, chính sách phù hợp để tiếp cận, khai thác nguồn tài liệu Hán – Nôm trong giai đoạn mới.
Thư viện Tổng hợp tỉnh cũng đề nghị cần có sự quan tâm, phối hợp kết nối, chia sẻ về nguồn tài liệu, cũng như việc bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu Hán – Nôm tại các cơ quan, tổ chức, các dòng họ, tư gia. Có như thế quá trình sưu tầm, số hóa và phát huy giá trị tài liệu mới dễ dàng, thuận lợi.
NHẬT MINH