Quỹ Bảo tồn di sản Huế chính thức được thành lập mở ra rất nhiều cơ hội cho bảo tồn di sản Huế
Trước đó vào cuối năm 2021, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó có việc cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Quỹ ra đời sẽ mở ra nhiều cơ hội trong việc bảo tồn, phục hồi những giá trị di sản vật thể, phi vật thể của Huế.
Lâu nay việc trùng tu, bảo tồn, tôn tạo các công trình di sản Huế luôn được quan tâm, nhưng vì nguồn lực có hạn nên ít nhiều vẫn gặp trở ngại, trong đó kinh phí là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Hầu hết, các công trình được trùng tu đều dựa vào vốn ngân sách. Tuy nhiên, ngân sách lại có hạn, không thể chạy đua kịp với sự xuống cấp của các công trình di sản.
Vì thế, Quỹ Bảo tồn di sản Huế chính thức thành lập như mở ra một cánh cửa, một cơ chế đặc biệt dành riêng cho di sản Huế. Cơ chế này giúp cho Huế chủ động hơn trong việc trùng tu, bảo tồn di sản, đặc biệt là xử lý được các tình huống khẩn cấp đối với các công trình di tích đang nguy cấp.
Khi ra đời, quỹ đề ra nhiệm vụ rõ ràng, từ việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính cho đến tài trợ các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.
Nguồn tài chính của quỹ là nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không bao gồm ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế; nguồn đóng góp, viện trợ và tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bao gồm tự nguyện hoặc tài trợ có mục đích; nguồn lãi từ tài khoản tiền gửi (nếu có); nguồn tồn dư quỹ hàng năm và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao cho rằng, Cố đô Huế được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán…
Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Vì vậy, tỉnh luôn ý thức sâu sắc di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương cho du khách, tạo nền tảng cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội.
“Do đó, Quỹ Bảo tồn di sản Huế ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Huế – địa phương có rất nhiều di sản đặc biệt quan trọng, trong đó có nhiều công trình kiến trúc đang xuống cấp và có nguy cơ xuống cấp cần được bảo tồn. Quỹ tài trợ cho các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ”, ông Hải nói.
Bàn về việc tạo ra được nguồn quỹ tạm gọi dồi dào phục vụ những mục tiêu được đặt ra, theo ông Hải để làm được việc này các thành viên nằm trong quỹ cần lên kế hoạch, chiến lược về thu hút nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà đầu tư, các cá nhân, các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm tham gia các dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.
Và để quỹ phát huy giá trị, cần phải có cách quản lý một cách khoa học, minh bạch, công khai, rõ ràng. Cụ thể, thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định của pháp luật. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; công bố công khai về quy chế hoạt động, kết quả hoạt động của quỹ, báo cáo tình hình thực hiện quỹ theo quy định của pháp luật.
“Ngoài ra, việc sử dụng quỹ không chỉ tập trung vào hoạt động tu bổ một số công trình di tích cụ thể, mà cần mở rộng ra các nội dung khác như hợp tác nghiên cứu về di sản văn hóa Huế, trong việc hồi hương cổ vật và trong liên kết quảng bá di sản văn hóa Huế ra thế giới”, ông Hải nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NHẬT MINH