Xem xét các dự án luật phù hợp thực tiễn

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu điều hành buổi thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Hoàn thiện cơ chế để bảo vệ người tiêu dùng

Về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), theo Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu, các tổ chức, cá nhân đều thuộc đối tượng người tiêu dùng. Tuy nhiên, phạm vi điều tiết đối tượng cũng được quy định ở nhiều luật khác nhau.

Đại biểu Lê Trường Lưu cho rằng, trước đây, dù đã được quy định trong các luật nhưng việc giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện hết sức khó khăn.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu đề nghị, ở Điều 1 cần bổ sung quy định bảo vệ người tiêu dùng trong dịch vụ công. Điều 16 bổ sung quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra, bồi thường cho tổ chức, cá nhân kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra và việc đưa thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, điểm d Điều 17 quy định còn chung chung, không thể hiện tính chặt chẽ, nên cần cân nhắc để khả thi thay vì thực tế khó đáp ứng đủ cơ chế hoặc không đủ nguồn lực đảm bảo việc giám sát và xử lý.

Bà Nguyễn Thị Sửu cho rằng, quy định về hàng hóa có khuyết tật tại các Điều 32, 33, 34, 35 khá cụ thể, nhưng cũng nên bổ sung quy định xử lý tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ khuyết tật gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng để thể hiện được tính bao quát của dự thảo luật.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Theo đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế), Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà bảo vệ cho người dân trong toàn xã hội. Cần đẩy mạnh tuyên truyền về luật; luật cần thống nhất về giá với Luật Giá và có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện mô hình quản lý Nhà nước.

Cần phù hợp tiến bộ công nghệ

Đánh giá về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, việc sửa đổi là hết sức cần thiết, phù hợp với cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện nay. Tuy nhiên, ông Lưu đề nghị xem xét lại tính bảo mật khi giao dịch điện tử bởi luật chưa đề cập. Ngoài ra, cần quy định về hạ tầng cho giao dịch điện tử. “Hiện nay, giao dịch trên không gian mạng nếu không thành công, gây thiệt hại thì ai chịu trách nhiệm. Do vậy, cần quy định rõ tính bảo mật, tính an toàn của không gian mạng khi thực hiện giao dịch”, ông Lê Trường Lưu nói.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu nhận định, đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 của dự án luật chưa bao quát, chưa bao hàm đối tượng có đề cập ở khoản 7, Điều 21.

Tại Điều 28 công nhận và sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài đã được đề cập, nhưng đối tượng này lại không được nêu trong Điều 2. Do vậy, bà Sửu đề nghị bổ sung cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam góp ý về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Về gửi nhận thông điệp dữ liệu được quy định từ Điều 16 đến Điều 20, đại biểu Nguyễn Thị Sửu yêu cầu nghiên cứu, bổ sung căn cứ pháp lý giải quyết, xử lý trường hợp có lỗi hệ thống dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Đồng thời, đề nghị bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước trên nền tảng số, dịch vụ số và dữ liệu số tại Điều 7 cho toàn diện với xu thế hiện đại.

Trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay, đại biểu Nguyễn Hải Nam nêu quan điểm, Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nên quy định các nguyên tắc chung chung, bởi nếu quy định chi tiết liên quan đến công nghệ sẽ rất khó. Ngoài ra, cần bổ sung khái niệm bằng chứng điện tử và phân cấp độ rủi ro. Nếu mức độ giao dịch ở khối lượng lớn và rủi ro cao cần xác nhận 2 lớp, có quy định để tránh thiệt hại cho người sử dụng, người tiêu dùng.

Thọ Vương

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …