Phòng, chống lãng phí tài sản, công quỹ Nhà nước

Quốc hội thảo luận về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Kỳ họp thứ tư, khóa XV. Ảnh: TTXVN

1. Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, ngân sách, tài sản định mức lao động vượt tiêu chuẩn, chế độ, kế hoạch hoặc không đạt yêu cầu đề ra. Lãng phí được hiểu là thời gian, tiền bạc, của cải, vật chất… không được sử dụng đúng mục đích cho lợi ích xã hội. Người ta sử dụng tài sản đó theo kiểu “cha chung không ai khóc”… để rồi sử dụng quá mức không thương xót hoặc vì lợi ích cá nhân. Những khoản chi nội bộ, tiếp khách, tổ chức đi du lịch… không có trong kinh phí khoán vẫn được chi rồi hợp thức hóa chứng từ để thanh toán. Cùng với đó là các khoản mua sắm, sửa chữa trụ sở, tài sản, vật tư khấu hao… được chi theo “chỉ đạo” của thủ trưởng, không cần biết có trong kế hoạch, định mức hay không? Các chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành các công trình, dự án (DA) tổ chức quá hình thức, phong bì, ăn uống… tốn kém kinh phí không hề nhỏ. Theo số liệu của Đoàn giám sát Quốc hội khóa 15, giai đoạn 2016 – 2021 đã phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về tiêu chuẩn, lập dự toán sai chế độ, đối tượng, định mức, nhiều DA chậm tiến độ, không đưa vào sử dụng được hoặc vi phạm pháp luật phải đình chỉ, hủy bỏ…

Bài học từ thiệt hại hàng chục ngàn tỷ của Vinashine, Vinaline, các công trình, DA của Bộ Công thương bị “đắp chiếu” dài ngày, những khu “đất vàng” không được triển khai, hàng loạt cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp, chợ dân sinh… sai quy hoạch, không tính hiệu quả, làm dở dang, bỏ hoang kéo dài.

Nguồn đầu tư công chậm triển khai do vướng thủ tục, chậm giải phóng mặt bằng làm cho đồng vốn của Nhà nước, vốn vay ODA…chậm được sử dụng là những khoản lãng phí không nhỏ.

Hiện tượng lãng phí nêu trên chỉ mới một phần và là nguyên nhân chủ quan từ trong các cơ quan quản lý của Nhà nước. Lãng phí trong lĩnh vực công gây thiệt hại nghiêm trọng cho phát triển đất nước và thực hiện các chủ trương, chính sách trong đầu tư, phát triển, an sinh xã hội. Con số nêu trên chỉ mới là “khiêm tốn” từ cơ quan được kiểm tra, còn bao nhiêu cơ quan, đơn vị chưa bị phát hiện là vấn đề đáng lưu tâm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng chỉ rõ: Thực trạng lãng phí trong cơ quan Nhà nước, trong xã hội diễn ra rất nghiêm trọng và chưa được khắc phục kịp thời.

2. Lãng phí gây nên thiệt hại rất lớn về của cải, tiền bạc của Nhà nước, tập thể nhưng chưa nêu đích danh nguyên nhân và trách nhiệm của người quản lý. Người chịu trách nhiệm duyệt hoặc đưa ra DA sau khi bị phát hiện lãng phí, không khả thi vẫn “bình chân như vại”, có khi chỉ bị nhắc nhở, làm giải trình qua loa rồi để hậu quả trôi theo năm tháng.

Nhiều lãnh đạo với “tư duy nhiệm kỳ” tạo dấu ấn bằng quyết định chủ quan khi làm một công trình, DA nào đó mà không cân nhắc lâu dài, tốn kém vô lý. Cũng có kiểu cố tình “vẽ” ra DA để khi được duyệt thì chắc chắn sẽ có khoản “hoa hồng”, “phần trăm” mà lâu nay trở thành khoản mặc định.

Trong Bộ luật Hình sự không có điều luật riêng xác định tội lãng phí, chỉ có một số tình tiết làm rõ thêm hành vi cấu thành ở các tội phạm kinh tế. Mặc nhiên sẽ không bị xử lý hình sự nếu chỉ là hành vi lãng phí. Trong xử lý kỷ luật Đảng theo Quy định 69-QĐ/TW không có điều nào quy định riêng về hành vi này, có chăng một vài tình tiết tăng nặng trong trong hành vi tham nhũng, cố ý làm trái. Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 26/11/2013 là văn bản pháp quy cao nhất, tuy nhiên đang đặt nặng về phòng ngừa lãng phí, thực hành tiết kiệm, hành vi lãng phí còn chung chung, chưa được nhận diện cụ thể trong luật và văn bản dưới luật. Thực tế nhiều lãnh đạo không nắm rõ, thực hiện không nghiêm là một trong những nguyên nhân tồn tại như đã nêu.

Những năm gần đây, Đảng, Chính phủ, các cơ quan chuyên ngành đã có nhiều chủ trương, quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các nghị quyết về đơn giản thủ thục hành chính, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi 10% ngân sách trong lĩnh vực công… đã được tổ chức thực hiện ở các cấp, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Để tổ chức kiểm soát, từng bước hạn chế căn bệnh này trước hết cần đề cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Điều 11, Quy định 37-QĐ/TW “Về những điều đảng viên không được làm” đã nêu rõ: “Không được vi phạm đạo đức công vụ; thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình quản lý xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, “Bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước”. Đó là yêu cầu bắt buộc phải chấp hành, không chỉ bằng lời nói mà phải bằng chế tài cụ thể trong quản lý hoạt động công vụ. Cần có những hướng dẫn dưới luật quy định rõ hành vi lãng phí, trách nhiệm cá nhân và đền bù của người thiếu trách nhiệm, chủ trì quản lý đã gây ra thiệt hại.

Lãng phí làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành quả kinh tế, xã hội, là hệ quả tất yếu của quản lý yếu kém và là trách nhiệm chính của người lãnh đạo. Đã đến lúc cần phải xem lãng phí là căn bệnh, là một loại “giặc nội xâm” cần phải được phòng, chống quyết liệt như tham nhũng, tiêu cực.

NGUYỄN AN HÒA

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …