Đổi mới đào tạo trong các trường nghề sẽ giúp học viên thạo nghề và các kỹ năng cần thiết khác
Đổi mới từ giáo trình đến cách tiếp cận
Với quan điểm phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực, thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, chỉ thị… nhằm đẩy mạnh, phát triển công tác GDNN trên địa bàn và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đã được bổ sung, điều chỉnh bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, bền vững, phát huy năng lực, phẩm chất của người học.
Mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh phát triển đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Hiện nay, toàn tỉnh có 36 cơ sở đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, có 8 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 4 trung tâm GDNN, 9 trung tâm GDNN- GDTX cấp huyện và 11 cơ sở có đăng ký hoạt động GDNN. Đội ngũ nhà giáo phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ nhà giáo GDNN hiện có trên 1.580 người. Trong đó, nhà giáo có trình độ trên đại học chiếm 40,34%, trình độ đại học chiếm 42,49%, trình độ cao đẳng chiếm 3,03%, trình độ trung cấp chiếm 8,71% và nhà giáo thuộc các trình độ khác chiếm 5,43%.
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trước xu hướng công nghệ số cũng như đào tạo theo yêu cầu công việc, nên nhiều trường nghề thường xuyên cập nhật, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo với nhiều nội dung phong phú, thực tế. Ngoài ra, một số trường đã kết hợp với các doanh nghiệp (DN), người sử dụng lao động trong xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình chặt chẽ hơn, cách tiếp cận phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm, chú trọng đến năng lực thực hiện.
Các kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp trong chương trình đào tạo đang dần được quan tâm chú trọng. Nhất là các trường nghề, như Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, Trường cao đẳng Du lịch Huế, Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế đã hình thành các câu lạc bộ để thu hút học sinh, sinh viên tham gia sáng tạo các đồ dùng, thiết bị dạy học; khởi nghiệp sáng tạo những dự án, mô hình, sản phẩm phục vụ hữu ích trong cuộc sống, trong sản xuất công nghiệp, chế biến nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ…
Tập trung vào kỹ năng và ý thức
So với trước đây, chất lượng đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có nhiều đổi mới, cải thiện hơn. Một phần không chỉ để phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội mà với cơ chế tự chủ, kinh tế thị trường buộc lòng các cơ sở đào tạo nghề, trường nghề phải tự tìm tòi, đổi mới, nâng chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là công tác đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng số, kỹ năng cảm xúc… Theo đánh giá của một số DN tuyển dụng lao động, khả năng tự học của người tốt nghiệp chưa thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động, chưa đáp ứng yêu cầu công việc ngay tức thời. Nguyên nhân một phần là do chưa có sự gắn kết, phối hợp, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi một cách có hiệu quả giữa các cơ sở GDNN với các DN, người sử dụng lao động trong đào tạo nghề.
Ngành LĐTB&XH đề xuất cần đẩy mạnh khuyến khích các DN tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao chất lượng đào tạo gắn với việc giải quyết việc làm. Việc gắn kết giữa đào tạo nghề với thị trường lao động, DN thông qua các hoạt động: các cơ sở GDNN cung cấp thông tin về người tham gia học nghề và kết quả đào tạo sau khi tốt nghiệp cho DN nhằm xây dựng chương trình hợp tác giữa cơ sở GDNN với DN; phân công nhân sự cụ thể phụ trách, theo dõi, gắn kết GDNN với DN, thị trường lao động, đào tạo theo đặt hàng của DN…
Ngoài ra, các cơ sở GDNN cần đẩy mạnh xã hội hóa, nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ với sự tham gia của người học, nhà giáo, chuyên gia, người sử dụng lao động, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp trong công tác đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu tăng năng suất sản xuất của DN cũng như thu nhập, điều kiện công việc của người lao động.
Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển kinh tế – xã hội tỉnh trong từng giai đoạn. Khuyến khích các DN sử dụng lao động qua đào tạo nghề, tăng cường hợp tác đào tạo giữa cơ sở GDNN với DN, tạo điều kiện thuận lợi để DN tham gia đầu tư vào hoạt động GDNN.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG