Giáo viên lớn tuổi chạy đua cùng công nghệ

Giáo viên Trường tiểu học Phú Mỹ 2 làm việc theo nhóm

Tự học để tiếp cận công nghệ

Tôi ngạc nhiên khi nghe Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mỹ 2 (Phú Vang), ông Trương Công Vinh bày tỏ, đội ngũ giáo viên của ông vừa trẻ, vừa năng động; thế hệ 9X cũng nhiều và 7X có đến 30% trong tổng số giáo viên hiện có. Ngạc nhiên khi ông vẫn đinh ninh số giáo viên sinh năm 1970, nghĩa là ngoài 50 tuổi vẫn còn trẻ. Ông cười giòn tan, họ ứng dụng công nghệ thông tin tốt nên không có sự chênh lệch nhiều giữa giáo viên trẻ hay giáo viên lớn tuổi. Ông còn bảo, độ tuổi nào cũng phải học, hiệu trưởng ngồi một chỗ cũng biết giáo viên hôm nay dạy gì khi tất cả giáo án đều được cập nhật trên Google Drive.

Với cách làm này, giáo viên đều phải tự nâng cao trình độ. Họ học ở các lớp tập huấn trong và ngoài tỉnh cũng có, tự học cũng nhiều. Miễn là, 100% giáo viên đều khai thác được dữ liệu, cải tiến chất lượng bài giảng. Chưa kể, Trường tiểu học Phú Mỹ 2 là một trong những trường điểm của huyện Phú Vang ứng dụng Steam vào trường học. Với phương pháp dạy tích hợp liên môn trong một số môn học, hơn lúc nào công nghệ số trở nên cấp thiết đối với đội ngũ giáo viên ở trường này.

Hơn chục năm trước, lần đầu tiên các trường “đưa công nghệ vào dạy học” bằng cách soạn bài giảng trên PowerPoint và dùng máy chiếu giảng bài. Khi đó, ứng dụng này khá mới mẻ đối với nhiều giáo viên sinh ra ở thời công nghệ thông tin chưa phát triển. Tôi còn nhớ lúc đó, nhiều cô giáo lớn tuổi soạn thảo văn bản trên máy tính khá chậm – phải rất nhọc nhằn mới tạo ra một bài giảng trên PowerPoint. Thế nhưng, khi các trường tiểu học triển khai dạy học bằng máy chiếu thường xuyên ở các khối lớp, bắt đầu với lớp 1, tất cả giáo viên phải tăng tốc để học PowerPoint một cách bài bản.

Chưa dừng lại, đại dịch COVID-19 khiến học sinh phải dừng đến trường sau Tết Nguyên đán 2020 và lúc ấy các trường chuyển sang dạy và học online. Tôi quen với một giáo viên tên Phượng, 52 tuổi, có thâm niên trong nghề gần 30 năm. Lúc ấy, chị phàn nàn rất nhiều, bảo phải kiến nghị cho giáo viên có độ tuổi như chị không dạy online vì có nhiều thao tác rối rắm. Cũng phải thôi, lần đầu nghe đến Zoom, chị rất lo lắng bởi trông nó khác hoàn toàn với máy chiếu – hình thức “rất công nghệ” mà chị tự học trước đó. Nhưng thời điểm đó, lớp nào cũng phải học online, vậy là, cả tuần sau đó, nhiều giáo viên trong tổ của chị hàng ngày vào Zoom để tập các thao tác, từ mở ứng dụng, bật – tắt micro, camera đến chia sẻ màn hình. Giờ đây, chị tự hào khoe, không còn “nhờ vả” giáo viên trẻ hỗ trợ mà đã tự mình chủ động trên không giang mạng.

Giáo viên lớn tuổi phải nêu gương

Các giáo viên ngoài 40 tuổi, ít được tiếp xúc với công nghệ thường xuyên gặp khó khi dạy trực tuyến. Đa số họ lại không rành tiếng Anh, không thành thạo việc tra cứu, nên không biết tự khắc phục các vấn đề kỹ thuật dù rất nhỏ. Thế nên, tôi biết các trường đã hướng dẫn giáo viên sử dụng thêm một số ứng dụng giao bài, tạo đề thi, chấm thi, tạo trò chơi học tập, như Azota, OLM, Quizizz, nhằm cải thiện chất lượng giờ học.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Duy (Phong Điền) cho rằng, hơn ai hết, những giáo viên lớn tuổi phải nêu gương, không ngừng nỗ lực, tự trau dồi kỹ năng về công nghệ. Vừa dạy, vừa học hỏi từ đồng nghiệp, từ Internet, nếu chịu khó và quyết tâm thì không có bất kỳ rào cản nào có thể làm khó được người thầy. Cũng theo thầy Cường, sau khi khảo sát nắm bắt tình hình thực tế, Ban Giám hiệu, tổ công nghệ thông tin và 1 giáo viên trẻ đã trực tiếp tập huấn, hỗ trợ các kỹ năng, thao tác khi ứng dụng các phần mềm cho các thầy cô lớn tuổi. Chỉ sau 1 tuần được tập huấn về công nghệ, họ đã sử dụng khá thành thạo các ứng dụng hỗ trợ giảng dạy trực tuyến. Tuy nhiên, để việc dạy học trực tuyến hiệu quả, suôn sẻ, tổ CNTT vẫn bám sát, hỗ trợ kịp thời mỗi khi giáo viên gặp vướng mắc, hoặc gặp sự cố trong kết nối.

Bây giờ mọi chuyện đã khác, giáo viên không chỉ sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến, bằng kinh nghiệm, thâm niên trong nghề, họ còn thiết kế lại những bài giảng điện tử mới, cô đọng hơn với những phần kiến thức trọng tâm để học trò dễ hiểu, dễ nhớ. Đồng thời tạo không khí thoải mái, hứng thú học tập khi đưa ra những vấn đề liên quan nội dung bài học để học trò nêu quan điểm, bày tỏ chính kiến bản thân. Các thầy cô còn kết nối Zalo, Facebook với phụ huynh để chung tay trong việc giám sát, đôn đốc các em trong học tập.

Điều đáng mừng là khi việc dạy học trực tuyến hay ứng dụng công nghệ được áp dụng và duy trì, giáo viên, đặc biệt là những giáo viên lớn tuổi không thờ ơ với công nghệ, giảng dạy theo kiểu ứng phó với tình huống cấp bách, mà họ đã có chuyển biến trong nhận thức và xem đó là một xu thế chuyển đổi trong giáo dục hiện đại .

Bài, ảnh: Huế Thu

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Chắp cánh ước mơ

“Chắp cánh ước mơ” là câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình vượt lên …