Rối loạn, ách tắc kéo dài; nhiều người phải rời xe buýt, taxi, xe ôm để đi bộ đến trường học, nơi làm việc… khi cả ngàn chiếc xe “bất động” tại giao lộ Lê Duẩn – Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Tôi đọc thông tin này trên báo Tiền Phong online. Hình ảnh được chụp cho thấy tình trạng bất khả kháng trong sáng 24/10 trên giao lộ vào trung tâm thành phố. Nhìn sự ùn ứ của đủ loại phương tiện, tôi cứ nghĩ về sự sốt ruột của người tham gia giao thông vào ngày đầu tuần, với bao công việc cần được kịp thời giải quyết.
Tôi nhớ rất rõ cảm giác này, khi theo xe từ sân bay vào trung tâm Thành phố Hà Nội, một ngày cuối tuần vừa qua. Qua khỏi cầu Nhật Tân một quãng, xe gần như chỉ nhích từng chút một. MC của kênh VOV giao thông liên tục cập nhật tình hình giao thông tại các tuyến đường. Lượt vào, thời gian còn nhiều nên chúng tôi cũng không mấy lo, dù có đoạn chỉ 1km mà xe chạy đến hơn 20 phút. Chiều hôm sau khi trở lại sân bay Nội Bài, tôi đã cảm thấy hối hận khi không hẹn xe đón sớm hơn, khi chiếc Ford vật vã giữa dòng xe ở nội đô đến hơn 45 phút mới trở ra ngả đường thoáng và tăng tốc cho kịp giờ làm thủ tục bay.
Ai đã từng áp lực giữa dòng phương tiện đầy ngập và chậm chạp, không thể chọn cách nào ngoài việc kiên nhẫn nhích từng chút, sẽ hiểu rõ hơn giá trị của môi trường sống mà Huế, cũng như nhiều tỉnh, thành khác chưa gặp phải. “Thoải mái và bình yên ngay từ khi xuống sân bay Phú Bài” là chia sẻ của nhiều khách du lịch khi họ đáp chuyến bay từ Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Hẳn nhiên, đó cũng là giá trị tăng thêm mà chúng ta đang được thụ hưởng mỗi ngày. Điều này đồng thời cũng cho thấy, chúng ta đang ít phải tiêu hao năng lượng, giảm được nguồn khí thải, tiết kiệm được chi phí về nguyên liệu và thời gian cho người dân. Đó cũng là các chi phí cơ hội mà nếu hạch toán, sẽ là con số không hề nhỏ…
Thực ra, tôi vẫn khá do dự khi chọn giữa chữ “không” và chữ “chưa” khi đặt tít cho góc nhìn này. Những con đường ở Huế vẫn thuộc vào diện thoáng rộng cho lưu thông, chưa kể đến những tuyến đường mới đã hình thành hay tiếp tục chuẩn bị phóng tuyến ở phía tây, phía đông thành phố. Do dự là vì vào vùng lõi của thành phố, sẽ cảm thấy bắt đầu khó di chuyển hơn so với trước rất nhiều. Việc đậu đỗ xe ở các tuyến Hùng Vương, An Dương Vương, Trần Thúc Nhẫn, Bà Triệu, Nguyễn Thái Học, Trần Phú cùng với một số con đường nhỏ nhắn khác bên Thành nội đang khó dần, vì lượng xe ô tô ngày mỗi nhiều thêm, đời sống và nhu cầu của xã hội cũng khác trước, lượng hàng quán cũng nhiều thêm và không ai muốn bị choán mặt tiền buôn bán của mình. Nhờ vả đưa xe đi chỗ khác, gay gắt yêu cầu, có khi nghe cả tiếng văng tục… là điều mà không chỉ tôi mà nhiều người đã gặp phải.
Không có quy định nào về việc xe không được dừng đỗ sát lề các con đường, nhưng chừng như đây là luật bất thành văn. Huế có vẻ đang “kẹt” ở tình trạng này, ngoại trừ những lúc phải dừng lại một cách lộn xộn theo kiểu mạnh ai nấy dừng khi chắn tàu ở vài tuyến đường hạ xuống. Có lẽ, đây là vấn đề được chia ở thì hiện tại. Hy vọng là tình trạng kẹt xe cục bộ ở một vài địa điểm, thời gian sẽ có phương án xử lý, thông tuyến rốt ráo để Huế sẽ được định danh là thành phố không kẹt xe!
Lê Bình An