Rà soát kỹ các khái niệm trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Phạm Như Hiệp (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh) quan tâm đến nhiều khái niệm trong điều khoản giải thích từ ngữ.

Theo đại biểu, Khoản 2 Điều 2 có quy định: Chữa bệnh là việc người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sử dụng kiến thức, phương pháp chuyên môn để ngăn ngừa sự xuất hiện của bệnh, giải quyết tình trạng bệnh hoặc nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh trên cơ sở kết quả khám bệnh. Đại biểu đề nghị cần làm rõ đây là hoạt động khám bệnh hay phòng bệnh.

Về giải thích khái niệm “cấp cứu”, Khoản 16 Điều 2 có giải thích: Tình trạng cấp cứu là tình trạng sức khỏe hoặc hành vi khởi phát đột ngột nếu không được can thiệp khám bệnh, chữa bệnh ngay lập tức thì có thể dẫn đến suy giảm các chức năng cơ thể, tổn thương nghiêm trọng và lâu dài đối với các cơ quan, bộ phận cơ thể hoặc tử vong ở người đó hoặc đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng đối với những người khác. Đại biểu Phạm Như Hiệp cho rằng, việc giải thích này chưa bật được nội dung can thiệp chuyên môn khẩn cấp, nhanh chóng… Đây là khái niệm liên quan trực tiếp đến việc xác định quyền lợi của người bệnh trong thanh toán bảo hiểm y tế. Do vậy cần phải được làm rõ hơn nữa.

Liên quan đến hồ sơ bệnh án, theo đại biểu đây là tập hợp dữ liệu bao gồm thông tin cá nhân, kết quả khám bệnh, kết quả cận lâm sàng, kết quả thăm dò chức năng, quá trình chẩn đoán và điều trị, quá trình chăm sóc của người bệnh và những giấy tờ có liên quan trong quá trình điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh. Do đó, cần bổ sung thêm nội dung về hồ sơ bệnh án điện tử vì hiện nay ngành y cũng đang thực hiện số hóa các dữ liệu rất tốt.

Đại biểu Phạm Như Hiệp (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Về quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Điều 57 quy định, cơ sở được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế mà không cần thực hiện thủ tục thẩm định trước khi ký hợp đồng; được ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh với các tổ chức bảo hiểm khác. Theo ông Phạm Như Hiệp, việc ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cần theo phạm vi hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhu cầu của người dân theo từng địa bàn cụ thể. Đại biểu đề nghị rà soát lại quy định này để phù hợp với Luật Bảo hiểm y tế.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau một buổi làm việc tích cực, dân chủ, khẩn trương đã có 25 ý kiến đại biểu phát biểu và 3 ý kiến đại biểu tranh luận.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu chất lượng cao nhất, đồng thời đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn cũng như tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.

Thọ Linh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …