Minh Thanh & giấc mơ sáng tạo kết hợp truyền thống

Minh Thanh (thứ hai, trái sang) nhận giải thưởng từ tác phẩm của mình

Kết hợp truyền thống và hiện đại

Ở một góc trong không gian Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, những mẫu thiết kế của BST Mộng Nhật Bình được trưng bày trong cuộc thi và triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 5 – năm 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức (tháng 9/2022). Giữa sự đa dạng của các chất liệu, sự phong phú trong tạo hình, thiết kế sản phẩm, nhiều người lại chú ý đến tác phẩm của cô nữ sinh viên ngành thiết kế thời trang Nguyễn Huỳnh Minh Thanh bởi yếu tố sáng tạo và tính thẩm mỹ.

Mộng Nhật Bình là BST có 4 mẫu thực, nhưng có đến 20 mẫu vẽ. Toàn bộ được gửi đến ban tổ chức trước khi chọn lựa để được trưng bày. Điểm thú vị là từ họa tiết trang phục truyền thống thời Nguyễn, Minh Thanh đã kết hợp, sáng tạo ra các mẫu váy, áo, quần phong cách hiện đại nhưng vẫn phảng phất giá trị truyền thống.

Nguyễn Huỳnh Minh Thanh kể, áo Nhật Bình vốn là loại triều phục dành cho bậc hậu, phi, cung tần và công chúa thời Nguyễn, nay đã trở thành loại trang phục phổ biến của phụ nữ Huế trong dịp hôn lễ và ngày càng được các bạn nữ trẻ Việt Nam yêu thích sử dụng khi đi ngoạn cảnh, check-in… Nhiều năm qua, khi tìm hiểu và tiếp cận với trang phục này đã khiến em yêu thích. Tuy nhiên, để có một sự phá cách, mang lại sự tiếp cận gần gũi hơn với giới trẻ thì cần hướng đến trang phục hiện đại, theo xu hướng của giới trẻ ngày nay là ưa thích sử dụng họa tiết của trang phục cung đình trên phom dáng trang phục hiện đại.

Minh Thanh (trái) với bộ sưu tập “Mộng Nhật Bình”

Trong rất nhiều BST đã từng thiết kế suốt quá trình học, Nguyễn Huỳnh Minh Thanh ấp ủ và “để dành” BST Mộng Nhật Bình làm đề tài tốt nghiệp. Tỉ mẩn và kỳ công, Minh Thanh dành đến 4 tháng để làm sản phẩm và 2 tháng để thiết kế, sửa đổi, hoàn thành từ các khâu làm demo, xử lý chất liệu… Trong BST này, Minh Thanh dùng vải voan Hàn và vải trượt Thái làm chất liệu chính. Nữ sinh viên cũng dùng chỉ thêu kết cườm và vẽ màu acrylic để xử lý chất liệu. “BST của em cũng trải qua 2 lần bảo vệ, được các thầy cô nhận xét, hướng dẫn sửa đổi mới có thể hoàn thiện”, Minh Thanh cho biết.

ThS. Vĩnh Khiêm, phụ trách bộ môn Thiết kế thời trang, Trường ĐH Nghệ thuật khẳng định, sự đam mê, chịu khó và yêu nghề cùng tính cầu toàn đã tạo những thành công bước đầu cho Minh Thanh. Thực ra, hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong thiết kế thời trang không mới, đã có nhiều nhà thiết kế lựa chọn. Nhưng Minh Thanh biết tìm tòi, nghiên cứu rất kỹ để khai thác những họa tiết trên áo Nhật Bình và chuyển tải những họa tiết đó qua ngôn ngữ thời trang, xử lý chất liệu rất kỳ công. Chính điều đó đã giúp Hội đồng chuyên môn khi duyệt đề tài của Minh Thanh ở trường đánh giá rất cao.

Lan tỏa nét đẹp di sản văn hóa

Cuộc thi và triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần. Năm nay, cuộc thi có đến 538 tác phẩm của 283 tác giả thuộc 25 tỉnh/thành phố gửi tác phẩm tham dự. Ban tổ chức đã chọn được 201 tác phẩm, bộ tác phẩm của 138 tác giả để trưng bày triển lãm, chấm giải và Mộng Nhật Bình của Nguyễn Huỳnh Minh Thanh với giải khuyến khích là một trong số đó.

Giải thưởng tuy chưa phải lớn, nhưng sự ghi nhận từ những người làm công tác chuyên môn tiếp thêm động lực cho cô nữ sinh viên sau khi tốt nghiệp vững tin hơn với lựa chọn trong công việc chuyên ngành của mình. Minh Thanh chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở TP. Huế, em luôn có một niềm tự hào với vùng đất bề dày lịch sử, văn hóa và rất nhiều di sản. Nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới cũng từng sử dụng họa tiết trang phục đất nước họ để sáng tạo các mẫu thiết kế độc đáo. Với Huế, những đặc trưng của vùng đất văn hóa cũng rất cần lan tỏa nhiều nét đẹp”.

Theo Minh Thanh, không điều gì tuyệt vời hơn khi những người con của quê hương luôn góp sức để xây dựng quê hương phát triển từ chính công việc, chuyên ngành của mình. Lợi thế tuổi trẻ sẽ giúp Minh Thanh tiếp cận xu hướng của những người cùng thế hệ để lan tỏa giá trị văn hóa từ những bộ trang phục được thiết kế.

Từ mối quan tâm đến văn hóa, di sản, Minh Thanh cũng sẽ tìm hiểu, học hỏi thêm, từ đó thực hiện giấc mơ đổi mới sáng tạo trong thiết kế, đem lại những cảm giác mới mẻ nhưng nhiều giá trị để em tiếp tục thử sức với những cuộc thi nhằm lan tỏa đến mọi người.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …