Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Ảnh: Tư liệu
Sự đóng góp quan trọng cho Việt Nam và thế giới
Khóa họp thứ 24 Ðại hội đồng UNESCO từ ngày 20/10 đến 20/11/1987, tại Paris, đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 với những lời đánh giá trang trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội… Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.
Nghị quyết này “Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” và khuyến nghị các nước thành viên “cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”, đồng thời đề nghị ông Tổng Giám đốc UNESCO “triển khai các biện pháp thích hợp để Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam” .
“Biểu tượng xuất sắc” cho khát vọng độc lập và tự do của dân tộc
Khi nghiên cứu về Hồ Chí Minh, dù trên khía cạnh tiểu sử hay tư tưởng, các nhà nghiên cứu đều chú ý rằng Hồ Chí Minh đã không sa đà vào những cuộc tranh luận về ý thức hệ triết học tư tưởng, mà Người đã dành toàn bộ tâm trí để giải quyết vấn đề cụ thể (cấp bách) là giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân. Giá trị lớn nhất mà Hồ Chí Minh theo đuổi suốt cuộc đời là “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”.
Dù có những quan điểm và những cách đánh giá riêng, song các nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng Hồ Chí Minh là “con người làm nên lịch sử”, “người kết hợp trong mình hai động lực chính của nước Việt Nam hiện đại: ước mơ độc lập dân tộc và khát vọng tìm kiếm bình đẳng kinh tế – xã hội” .
Những điều này đã làm cho tên tuổi và uy tín của Hồ Chí Minh vượt qua biên giới Việt Nam để trở thành một biểu tượng của các dân tộc còn đang bị áp bức trên thế giới đấu tranh đòi phẩm giá và tự do. Không chỉ với Nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh được thừa nhận là biểu tượng cho khát vọng Độc lập, Tự do, Lương tâm và Trí tuệ của các dân tộc bị áp bức.
“Đóng góp quan trọng” và nhiều mặt trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật
Con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh đã tìm ra cho dân tộc Việt Nam là con đường đi từ độc lập dân tộc đến một thế giới hòa bình và phát triển, tương đồng với logic của sự phát triển hài hòa các cá nhân, dân tộc và nhân loại. Tiến sĩ M. Admad – Giám đốc UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tham luận của mình tại Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh do UNESCO và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tại Hà Nội (năm 1990) đưa ra nhận xét: “Hồ Chí Minh đã thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hóa vào một nền văn hóa Việt Nam duy nhất. Người làm được việc này nhờ sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng những đặc điểm văn hóa khác nhau”. Hồ Chí Minh đã đưa văn hóa dân tộc đến với văn hóa nhân loại và thời đại – điều này chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
Tiến sĩ M. Admat cũng nhấn mạnh rằng: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và Nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.
Ở Hồ Chí Minh hội tụ sự kết tinh những giá trị tiêu biểu nhất của văn hóa – lịch sử – đất nước và con người Việt Nam. Người là “người Việt Nam nhất” trong những người Việt Nam – như nhận xét của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng Hồ Chí Minh còn là hiện thân của một nền văn hóa tương lai. Nhà thơ Oxip Mandenxtam khi lần đầu tiên thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản – Nguyễn Ái Quốc, năm 1923, đã thấy: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
TS. Ngô Vương Anh