Cà phê sạc pin-Một công đôi việc

Cứ mỗi mùa lụt, những quán cà phê ở khu vực cao ráo lại nhộn nhịp, đông đúc, nhất là những khu vực kế cận vùng thấp trũng. Như tại quán cà phê bên kia cầu chợ Cống sáng nay (16/10) tấp nập khách vào ra. Ai cũng tay cầm điện thoại, kèm cục sạc rồi chọn chỗ thuận tiện nhất vừa được ngắm phố phường, vừa canh chừng điện thoại.

Thấy khách đông, ông chủ cũng “nãy ra sáng kiến” mua thêm vài ổ cắm điện để phục vụ nhu cầu của thượng đế. Thế nhưng, 5 cái ổ cắm vẫn không đủ phục vụ nhu cầu nên anh phải nhờ nhân viên mua thêm mấy cái nữa.

Tương tự, ở rất nhiều quán cà phê khác, lượng khách hàng đến cà phê để sạc pin hai ngày nay (15&16/10) khá đông. Nắm được nhu cầu của khách, chủ quán tạo điều kiện dành riêng một cái bàn để khách có thể thoải mái sạc pin, vừa uống cà phê.

Khách hàng vui vì vừa xong cữ cà phê thì điện thoại cũng đầy pin

Tại quán cà phê Ông Táo trên đường Chu Văn An (TP. Huế), gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hương ba người cầm theo ba chiếc điện thoại và cục sạc đến uống cà phê để sạc pin. Chị Hương thông tin, nhà chị mất điện từ tối 14/10 nên điện thoại đã hết pin từ hôm 15/10 nhưng do nước lũ còn cao, chưa thể di chuyển được đành phải đợi đến sáng nay khi đường phố rút bớt nước mới đi cà phê sạc pin. Sau cữ cà phê sáng từ 6h-9h, thiết bị điện thoại, pin dự phòng tạm ổn họ rời đi để nhường chỗ cho người khác. Họ cũng rất hài lòng với cách phục vụ của quán, không nâng giá trục lợi do lũ lụt lại còn nhiệt tình giúp khách sạc pin điện thoại.

Ở vài quán cà phê khác trên đường Lê Lợi, Nguyễn Thái Học và các khu vực cao ráo không ngập lụt như Trần Thúc Nhẫn, Nguyễn Trường Tộ, Hồ Đắc Di… có thể thấy lượng khách uống cà phê sáng, thậm chí là trưa, chiều khá đông trong hai ngày thành phố nhiều nơi bị ngập lụt. Phần vì hai ngày nghỉ cuối tuần, phần vì một số người công việc phải nhưng vì mưa lụt nên họ chọn cách thư giãn bằng cà phê.

Đang định kiếm chỗ cho cữ cà phê sáng, chúng tôi gặp người bạn cũ với quần mưa dài quá ngực, vừa lỉnh khỉnh điện thoại, cục sạc phía trước. Hạnh nói rằng nhà ở vùng thấp nhất của phường Xuân Phú nên lội từ sáng sớm để đi sạc pin. Ở nhà nước đã quá bắp chân, lội ra đường gần ngang ngực nên phải bọc kỹ thiết bị kẻo ướt. Bạn mang cả đống điện thoại của hai vợ chồng, ông bà nội, thêm cô chú hàng xóm nữa thành ra phải đeo cái ba lô cho tiện.

Ngoài cà phê tại chỗ, vài ngày trở lại đây, mưa to, lụt lớn nên các shipper cũng được dịp ăn nên làm ra với dịch vụ ship cà phê, đồ ăn vặt. Ngô Văn Tân, một shipper chuyên phục vụ cho app ăn uống nói rằng, anh phải chạy liên tục không nghỉ trưa để ship thức ăn và cà phê cho khách hàng. Có những vùng ngập sâu không chạy xe máy vào được, Tân còn nhiệt tình lội nước mang vào. Khách vì thế mà ấn tượng, và tip (tiền boa) nhiều hơn.

Ngày mưa lũ, vẫn còn rất một số người trục lợi nâng giá khi thấy mặt hàng khan hiếm như thực phẩm, ăn uống, các dịch vụ sửa xe… Thế nhưng, cũng có không ít những nghĩa cử, hành động, việc làm đẹp, đầy tình người. Như ở quán cà phê nhỏ chúng tôi ngồi sáng nay, khách rất đông, thiếu bàn ghế, nhưng người bên cạnh cũng không ngại nhường chỗ, mời ngồi chung bàn. Cà phê họ chỉ uống một nửa, điện thoại đang sạc dở nhưng cũng sẵn sàng mang về để nhưỡng chỗ cho người đến sau. Hay như anh chủ quán, dù áo quần ướt tả tơi cũng sẵn sàng nhường áo mưa tiện lợi cho cu cậu nhà tôi khi ra về gặp cơn mưa rào bất chợt. Rồi những nhọc nhằn, khó khăn do mưa lũ cũng qua. Điều đọng lại vẫn là tình người và những ký ức đẹp!

Bài, ảnh: Hồng Tâm

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …